Y tếSức khỏe

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em trong mùa nắng nóng

00:00 - Thứ Hai, 09/05/2016 Lượt xem: 2734 In bài viết
ĐBP - Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh, thực phẩm nhanh ôi thiu, dễ gây ra dịch bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng yếu nên dễ mắc tiêu chảy (trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước, trên 3 lần/ngày). Tiêu chảy do vi rút, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng ổn định. Mắc tiêu chảy do vi khuẩn tả, lỵ sẽ rất nguy hiểm, người bệnh đi ngoài nhiều lần, có khi kèm theo nôn, dẫn đến cơ thể bị mất nước và muối, nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Trẻ em mắc tiêu chảy kéo dài, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, trẻ suy dinh dưỡng, sức khỏe kém thường dễ mắc tiêu chảy và làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn.

Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng kèm theo chán ăn, bên cạnh đó, do sự thiếu hiểu biết của một số bà mẹ, hạn chế cho con ăn uống hoặc kiêng khem quá mức, dẫn đến cơ thể trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Trẻ mắc tiêu chảy, ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sỹ, thì việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đúng cách rất quan trọng, sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh, nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phòng, chống suy dinh dưỡng. Vì vậy các bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cần thiết. Khi trẻ bị tiêu chảy, cơ thể cần nhiều nước để bù lại lượng dịch đã mất, do vậy cần cho trẻ uống đủ lượng nước ngay khi mới bị tiêu chảy để phòng tình trạng mất nước. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch O-rê-zôn (ORS), uống nước theo nhu cầu đến khi hết tiêu chảy. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, chưa tự đòi uống nước nên biểu hiện của dấu hiệu khát nước là sự kích thích khó chịu. Vì vậy, cần phải cho trẻ uống nước để xem trẻ có khát và muốn uống nước không. Khi bù dịch cho trẻ lưu ý: không cho trẻ bú chai, trẻ nhỏ cho uống bằng thìa, 1 - 2 phút cho uống một thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc, uống từng ngụm một. Nếu trẻ bị nôn, tạm ngừng cho uống trong 10 phút, sau đó lại tiếp tục cho uống, nhưng uống chậm hơn, 2 - 3 phút cho uống một lần. Số lượng dịch cần cho trẻ uống sau mỗi lần đi ngoài: Đối với trẻ dưới 2 tuổi là 50 - 100ml; trẻ 2 - 10 tuổi là 100 - 200ml; trẻ 10 tuổi trở lên thì uống theo nhu cầu.

Cùng với việc bù nước và điện giải cho trẻ bị tiêu chảy cần chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày, trẻ dưới 6 tháng tuổi tiếp tục cho bú mẹ và tăng số lần bú; trẻ trên 6 tháng tiếp tục bú mẹ và tăng cường dinh dưỡng trong các bữa ăn bổ sung: thịt, trứng...và cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, các loại hoa quả: chuối, đu đủ, cam, xoài... để bổ sung vitamin và chất khoáng. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa; cho trẻ ăn nhiều bữa và nhiều lần trong ngày. Trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà, các bà mẹ và người chăm sóc trẻ chú ý khi phát hiện các biểu hiện bất thường như: Đi ngoài nhiều lần trong ngày, có máu trong phân; nôn liên tục; sốt cao, co giật; trẻ không ăn được; ngủ li bì khó đánh thức; cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử trí kịp thời.

Phòng bệnh tiêu chảy và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, mỗi gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ thời kỳ thai nghén; đẻ tại cơ sở y tế; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho cả mẹ và con; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cho trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch; theo dõi sự tăng trưởng hàng tháng của trẻ; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, trước khi ăn, chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn; sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường sống xung quanh…

Việt Phú (T4G)

Bình luận
Back To Top