Y tếSức khỏe

Bệnh hen và cách phòng tránh

00:00 - Thứ Hai, 23/05/2016 Lượt xem: 3044 In bài viết
ĐBP - Hen phế quản là bệnh mạn tính ở đường hô hấp và có yếu tố di truyền, bệnh không do vi khuẩn trực tiếp gây nên nhưng các viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp có thể phối hợp dẫn đến cơn hen. Bệnh gặp phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, số mắc bệnh có xu hướng gia tăng.

Hen phế quản là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ em, người già thường gặp nhiều hơn và bệnh hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Điện Biên là tỉnh miền núi kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, một bộ phận dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về bệnh hen, nên nhiều người mắc bệnh không dám công khai tình trạng bệnh của mình hay người thân trong gia đình mình. Khi mắc bệnh hen, họ không đến cơ sở y tế mà lại tìm đến thầy lang, áp dụng các bài thuốc truyền miệng để “tự chữa” bằng mật cá trắm, mật lợn, nuốt sống giun đất, thạch sùng… không những không khỏi bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi người bệnh có những tác nhân gây bệnh tùy theo cơ địa. Nguyên nhân làm cho cơn hen khởi phát bắt nguồn như: Bệnh nhân tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, các loại bụi, khói bếp, nước hoa, chất tẩy rửa, thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, mưa, gió, ẩm ướt, một số thức ăn gây dị ứng, phấn hoa, lông chó, mèo và các loại sợi bông, sợi nhân tạo của chăn, đệm, thảm trải nhà... Khi cơn hen phế quản xuất hiện thường có các biểu hiện chủ yếu như: ho và thở rít, khó thở, nặng ngực, các triệu chứng này tái đi, tái lại và thường nặng hơn về khuya, nửa đêm về sáng. Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản tạo thành tiếng rít, tiếng cò cứ, nếu bệnh nặng không cần ống nghe của bác sỹ, người bệnh cũng có thể nghe thấy tiếng rít khó thở này. Cơn khó thở tùy nặng nhẹ có thể kéo dài từ 5-10 phút hoặc hàng giờ liền, sau đó tự lui dần với cơn ho, khạc đờm trong, đặc quánh và dính. Cũng có trường hợp bệnh nhân lên cơn hen ác tính khó thở trầm trọng, có khi ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp dẫn đến tử vong. Tuy nhiên có đến 85% trường hợp tử vong do hen có thể phòng tránh được. Để tự kiểm soát tốt bệnh hen, người bệnh cần tuân thủ việc tái khám định kỳ, tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sỹ đã lập ra, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát cơn hen; điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt và phòng tránh những yếu tố bất lợi, lau chùi nhà cửa sạch sẽ tránh ẩm mốc; có chế độ ăn uống hợp lý, uống đủ 1,5 - 2 lít/ngày; tập thể dục đều đặn thường xuyên, như: đi bộ, đạp xe, bơi, khí công, thể dục nhịp điệu... Người bệnh không nên tập những môn cần gắng sức quá nhiều như chạy, võ đối kháng, cũng không nên tập luyện vào mùa lạnh, khô vì dễ lên cơn hen; trước khi tập, nên tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn. Người bệnh cần tuân thủ việc tái khám định kỳ 6 tháng/lần; khi có các biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

                      Anh Sáu (T4G)

Bình luận
Back To Top