Y tếSức khỏe

5 tháng đầu năm có 26 trường hợp tử vong do bệnh dại

00:00 - Thứ Ba, 07/06/2016 Lượt xem: 3892 In bài viết
Ngày 6/6, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 5 tháng đầu năm nay có 26 ca tử vong do bệnh dại tại các địa phương, giảm 1 ca so với cùng kỳ 2015.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương lây từ động vật sang người. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật bị bệnh bài tiết ra ngoài theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc vào cơ thể. Chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu, chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo với 3 - 4%.


Trung bình, Việt Nam cần khoảng 500.000-1.000.000 liều vắc xin dại/năm. Tuy nhiên, các tuần qua, vắc xin dại đã khan hàng tại một số địa phương do nguồn cung (nhập khẩu) bị giảm sút. Trước thực trạng, bệnh dại thường tăng trong các tháng hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc nên ngành Y tế đang khẩn trương khắc phục tình trạng khan hiếm vắc xin. Tạm thời các điểm tiêm đã có vắc xin dại (do Ấn độ sản xuất) sử dụng cho người có chỉ định tiêm. Sau đó, đến cuối tháng 6 này sẽ có thêm 250.000 liều vắc xin dại (do công ty Sanofi (Pháp) sản xuất) về nước ta và vắc xin này tiếp tục được cung ứng trong các tháng tiếp.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, vắc xin dại không chỉ định tiêm định kỳ để chống dịch nhưng là vắc xin bắt buộc phải có để cung cấp cho các trường hợp có chỉ định tiêm. Bởi vì nếu người bị chó dại cắn nếu trì hoãn, không tiêm đúng chỉ định khiến người bệnh đã nhiễm vi rút gây bệnh lên cơn dại dễ dẫn đến tử vong.

Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, người bị chó, mèo cắn nói riêng và súc vật cắn nói chung, cần được khám càng sớm càng tốt để bác sĩ có thể chỉ định điều trị phòng dại bằng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Khi xác định bị chó, mèo dại cắn cần được tiêm vắc xin phòng dại hoặc dùng cả vắc xin và cả huyết thanh kháng dại.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top