Y tếSức khỏe

“Văcxin cho cả nhà - Gia đình yên tâm được bảo vệ”

15:16 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 3209 In bài viết
Ngày 10/8, với cam kết chung tay hành động vì sức khỏe cho cả gia đình, VPĐD GSK Pte Ltd tại Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Y học Dự Phòng Việt Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cùng các chuyên gia y tế hàng đầu tổ chức buổi trao đổi “Văcxin cho cả nhà - Gia đình yên tâm được bảo vệ” nhằm cập nhật thông tin về các loại bệnh truyền nhiễm thường xảy ra với trẻ nhỏ và phụ nữ vốn dĩ là hai đối tượng cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ thường xuyên.

Đối với trẻ nhỏ, các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu hay tiêu chảy cấp do vi rút rota; đối với phụ nữ thì ung thư cổ tử cung vô cùng nguy hiểm vì có mức độ mắc cũng như tỷ lệ tỷ vong cao. Thông qua hội thảo và các hoạt động trong chiến dịch truyền thông cho công tác chăm sóc sức khỏe cho cả nhà năm nay, Hội Y học Dự phòng, GSK và các chuyên gia mong muốn chia sẻ đến cộng đồng những kiến thức và giải pháp phòng bệnh đúng cách, giúp mọi người ý thức rõ hơn về giá trị, vai trò của việc tiêm vắc xin phòng bệnh; hy vọng chúng ta sẽ cùng chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm, góp phần bảo vệ, mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả gia đình, đặc biệt là phụ nữ, bé gái và trẻ em.

 

Các chuyên gia đang thảo luận về Giá trị phòng ngừa của vắc-xin.

Chủng ngừa là cách đơn giản có thể bảo vệ trẻ em và cả người lớn tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm, có mức độ lây nhiễm, tử vong cao; đó là giải pháp chủ động để hạn chế sự ảnh hưởng trực tiếp của bệnh đến sự phát triển lâu dài của trẻ ngay cả khi đã được điều trị khỏi. WHO và UNICEF khuyến cáo tất cả các bậc cha mẹ/người giám hộ trẻ nên kiểm tra lại sổ tiêm chủng của con em mình để đảm bảo rằng các mũi tiêm của trẻ được cập nhật một cách đầy đủ và tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm chủng quốc gia mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào3.

Liên minh vắc-xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đưa các vắc-xin phòng các bệnh: viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi, tiêu chảy và phòng vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung trong những năm đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Lý do đưa ba loại vắc-xin này vào chương trình vì đây là ba căn bệnh có tỉ lệ mắc cao, như 56% trẻ tiêu chảy nhập viện ở Việt Nam là do virút rota4 , còn viêm phổi là một trong số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, riêng vi khuẩn phế cầu là một trong những tác nhân gây bệnh chính; trong khi đó thì HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, đây là ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi tại Việt Nam.

 

Ông James Strenner - Trưởng Văn phòng đại diện GSK Việt Nam.

“GSK toàn cầu luôn theo đuổi mục tiêu giúp mọi người làm được nhiều việc hơn, cảm thấy khỏe hơn và sống lâu hơn cho dù họ ở bất cứ nơi đâu. Theo báo cáo của tập đoàn, GSK hiện tại đã nghiên cứu thành công và lưu hành 39 vắc-xin nhằm phòng bệnh cho nhiều lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành và bảo vệ 2/3 các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được bằng vắc-xin.Tại Việt Nam, chúng tôi quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của phòng bệnh và đặc biệt là giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc chủng ngừa để bảo vệ cho bản thân cũng như tất cả các thành viên trong gia đình.” James Strenner, Trưởng đại diện GSK tại Việt Nam chia sẻ thêm.

Phát biểu trong buổi gặp mặt, ThS. Bs. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng - Viện Pasteur TP HCM chia sẻ: “Ngoại trừ nguồn nước sạch, không có biện pháp nào khác kể cả kháng sinh, có thể mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tỉ lệ bệnh và tử vong như vắc-xin. Mỗi năm, vắc-xin giúp ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong và 750.000 trẻ em khỏi bị tàn tật vĩnh viễn vì di chứng của bệnh trên toàn cầu.”

Theo Bs. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: ““Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn khá nguy hiểm hiện nay, khu trú vùng tai-mũi-họng ở người khỏe mạnh, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Do đó việc phòng ngừa là rất quan trọng. Biện pháp thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu vẫn là chủ động tiêm vắc-xin, tiêm ngừa vắc-xin phế cầu giúp bảo vệ trẻ từ sớm. Trong khi đó, cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có thể có 1 trẻ là do vi rút rota gây ra. Trẻ dễ bị mất nước nặng vì vừa nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần/ ngày. Uống ngừa sớm vắc-xin rota ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được phòng ngừa chủ động đối với tiêu chảy cấp do vi rút rota bên cạnh việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ.”

Ts. Bs. Lưu Văn Minh, Trưởng khoa xạ 2, BV Ung Bướu TP HCM, chia sẻ thêm về bệnh Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam: “Trên toàn thế giới, trung bình cứ 2 phút có một phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 5.000 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung và phân nữa số đó tử vong, nếu tính trung bình thì mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường gặp ở phụ nữ ở 35 – 40 tuổi trở đi. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ lứa tuổi 15 – 44.” 

Trong 30 năm qua, vắc-xin đã chứng minh được giá trị và ý nghĩa trong việc phòng bệnh; góp phần bảo vệ 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn ngừa 43.000 trường hợp tránh khỏi các bệnh dịch có thể đe dọa tính mạng như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.5 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, nếu tất cả các vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với độ phủ trên 90%, dự kiến hàng năm chúng ta sẽ bảo vệ được thêm hai đến ba triệu trẻ em không còn tử vong do những căn bệnh truyền nhiễm hoàn toàn phòng tránh được. Điều này góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ của WHO là làm giảm hai phần ba số trẻ em tử vong dưới năm tuổi vào năm 2015 so với năm 19906. Trên thế giới, có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, và kết quả đạt được rất khả quan, đó là 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6 đến 7.5 triệu trường hợp viêm phế cầu khuẩn được ngăn chặn và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Những minh chứng cho giá trị của tiêm chủng đối với việc phòng bệnh đã rất rõ ràng, điều đó cũng tăng thêm động lực cho Hội Y học Dự phòng Việt Nam, VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd (GSK) tại Việt Nam và các chuyên gia y tế hàng đầu trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với hy vọng nâng cao ý thức và sự hiểu biết đúng của người dân về vắc-xin, từ đó có thể tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ để tìm ra biện pháp phòng bệnh thích hợp cho cả gia đình.

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều loại bệnh lý khác nhau ở trẻ em, từ những bệnh lý nghiêm trọng, đe doạ tính mạng nếu không được điều trị kịp thời như viêm màng não, nhiễm trùng huyết hay viêm phổi, cho đến những bệnh lý không xâm lấn nhưng lại có tần suất mắc phải rất cao như viêm tai giữa hay viêm xoang ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây đau đớn cho trẻ em.  Viêm màng não do phế cầu là bệnh lý đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, với 37/100,000 trẻ (1999-2003)9. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc rất cao, trên 50% tại khu vực các nước đang phát triển như châu Phi, Đông Nam Á...

Viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trước năm 3 tuổi, ước tính có 80% trẻ em sẽ bị ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và hơn 1/3 trong số đó sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại (3 lần hoặc nhiều hơn trong 1 năm), đôi khi phải phẫu thuật. Tỉ lệ tái phát trên 20% trường hợp, có thể dẫn đến biến chứng viêm xương chũm, viêm màng não, gây giảm thính lực tạm thời hoặc lâu dài, ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ và giao tiếp xã hội.

 

Nhiễm trùng huyết do phế cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm gây tử vong khoảng 20% số ca mắc. Đây là tình trạng thứ phát phổ biến sau viêm phổi phế cầu, xuất hiện trên xấp xỉ 25% tổng số bệnh nhân. Triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu và đau nhức cơ và ho.

Viêm phổi (nhiễm trùng đường hô hấp) là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần 1 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Viêm phổi do phế cầu là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng từ 10% đến 20%, trên 50% ở trẻ nhỏ hoặc người già.

Tiêu chảy cấp do vi rút rota là bệnh phổ biến đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm có rất nhiều ca trẻ em nhập viện vì bệnh này. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ vì mất nước nặng. Đường lây của bệnh tiêu chảy cấp do vi rút rota chủ yếu qua tay bị nhiễm và đưa vào miệng khi trẻ bốc nắm đồ chơi. Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi dễ bị nhiễm vi rút rota khi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, trẻ càng nhỏ, nguy cơ lây nhiễm và triệu chứng bệnh càng nặng. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 114 triệu trẻ em bị nhiễm vi rút rota mỗi năm và có khoảng 2 triệu trẻ em phải nhập viện điều trị do các triệu chứng của nhiễm vi rút rota, trong đó có 453.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có một trẻ là do nhiễm vi rút rota. Bệnh có liên quan đến yếu tố kinh tế, điều kiện sống, phong tục, tập quán, nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, mùa, tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch của trẻ, hay sự thiếu hụt về phổ biến kiến thức phòng bệnh. Trẻ bị tiêu chảy cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong, rối loạn cân bằng các chất trong cơ thể, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Từ đó gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phụ nữ thường gặp, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư vú. Theo các nghiên cứu ung thư tại Việt Nam thì trong các ung thư ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ung thư cổ tử cung thường diễn biến qua nhiều năm. Hầu hết giai đoạn sớm của bệnh là sự thay đổi tiền ung thư (là sự biến đổi nhẹ của các tế bào để dần dần có thể phát triển thành ung thư) của lớp niêm mạc cổ tử cung. Nhiễm các tuýp Human papillomavirus (HPV) sinh ung (ví dụ HPV 16, 18, 31, 33 và 45...) được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây UTCTC. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)...
Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top