Y tếSức khỏe

Cảnh giác phòng tránh bệnh dại

09:09 - Thứ Hai, 12/09/2016 Lượt xem: 3894 In bài viết
ĐBP - Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao, nhưng có thể loại trừ bằng cách tiêm phòng cho chó, mèo và ngăn chặn lây truyền vi rút sang người.

Bác sỹ Phí Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 154 trường hợp bị chó, mèo cắn đã được tiêm phòng dại. Chó dại có các triệu chứng và biểu hiện, như: Luôn luôn cử động, khó nuốt như bị hóc xương, tiếng kêu khàn khàn, từng nhát, tiếng sủa kéo dài và rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn. Bất cứ sự kích thích nào dù nhỏ đều có thể làm chó lên cơn dại, cắn người và các con vật khác hoặc tự cắn nó, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi. Phạm vi hoạt động của một con chó dại có khi lên tới 50km, vì vậy chó dại rất nguy hiểm, nó là mối nguy cơ lớn truyền bệnh dại cho người và các súc vật khác.

Để chủ động phòng tránh bệnh dại, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức sinh động giúp người chăn nuôi hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa và hiệu quả của tiêm phòng dại trên chó, mèo. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi nhốt chó (xích, nhốt, rọ mõm); diệt chó chạy rông, chó vô chủ, chó dại và nghi dại; tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y; nghiêm cấm di chuyển chó từ nơi đang có dịch sang vùng khác để tránh lây lan dịch bệnh. Người dân khi bị chó nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay, thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn (cồn, cồn iốt đậm đặc...). Đây là giải pháp làm giảm tối thiểu lượng vi rút dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3 - 5 ngày để hạn chế vi rút tán phát. Để đạt hiệu quả cao, người dân cần tiêm phòng dại ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sỹ đối với từng loại vắc xin dại và phác đồ tiêm. Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích... Đặc biệt, khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, cần tránh tiếp xúc với con vật; báo ngay cho chính quyền địa phương, y tế, thú y thôn, bản và xã để có biện pháp xử lý con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó; khi chó chết cần chôn sâu xác và rắc các chất sát khuẩn (cresly, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột...).

Để hạn chế thấp nhất những ca tử vong đáng tiếc có thể xảy ra do chó dại cắn, người dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi chó, mèo; tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo; không thả rông, nuôi chó phải có xích, khi dắt chó ra đường phải đeo rọ mõm cho chó...

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top