Y tếSức khỏe

Ngộ độc rượu bia:

Mối họa từ thói quen xấu

09:04 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 5032 In bài viết
Những ngày giáp Tết, lượng bia, rượu được tiêu thụ tăng đột biến, cùng với đó là sự gia tăng về số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc bia, rượu. Điều đáng nói, dù năm nào các bác sĩ cũng đưa ra lời cảnh báo về mối họa do quá chén, song với nhiều người, lạm dụng rượu, bia trong dịp lễ, Tết là thói quen khó bỏ.

Tử vong vì quá chén 

Tác hại của rượu, bia chẳng ai không biết, thế nhưng, nhiều người vẫn coi thường sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình khi sử dụng rượu, bia với liều lượng quá mức cho phép. Và "đến hẹn lại lên", cứ mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết, khoa cấp cứu của các bệnh viện lại phải hoạt động hết công suất để tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu.

 

Lượng tiêu thụ rượu bia thường tăng mạnh mỗi dịp lễ, tết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị. Đặc biệt, số ca ngộ độc rượu nhập viện tăng lên gấp 2-3 lần vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết. Thậm chí, có ngày các bác sĩ phải tiến hành 4-5 ca cấp cứu vì ngộ độc rượu. Dịp Tết năm 2016, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu.

Một số vụ việc có tính điển hình: Ngày 13-1, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (39 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhiều khả năng bị ngộ độc rượu methanol. Người nhà cho biết, trước khi được đưa đến viện, bệnh nhân đã uống nhiều rượu và bị ốm trong 2 ngày.

Trước đó, một bệnh nhân nam (47 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) đã được đưa đến bệnh viện gần nhà trong tình trạng đau đầu, mắt mờ, trí giác lơ mơ sau 3-4 ngày uống rượu liên tục. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng rượu methanol trong máu bệnh nhân lên tới gần 300mg/100ml máu. Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi.

Dịp Tết, tình trạng lạm dụng rượu, bia cũng khiến mô hình bệnh tật thay đổi, số bệnh nhân tăng. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu, bia tăng so với ngày thường.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải cho rằng, uống nhiều rượu một lúc sẽ dẫn đến ngộ độc rượu cấp, việc sử dụng rượu methanol kém chất lượng có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng như: Hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm tụy cấp… Ngoài ra, còn có rất nhiều dạng biến chứng khác liên quan đến rượu, bia.

Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc 

Số ca ngộ độc rượu tăng là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lý giải, hiện nay, tình trạng sản xuất, buôn bán rượu giả khá phổ biến. Trên thị trường, những loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát triệt để. Các loại rượu tự nấu, sản xuất thủ công có pha methanol vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường. 

Mặt khác, xu hướng sử dụng rượu ngâm ngày càng phổ biến. Dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng người dân vẫn có thói quen lùng mua các loại rễ cây, thảo mộc, động vật, côn trùng, nội tạng động vật… mang về ngâm rượu và sử dụng tùy tiện, không theo hướng dẫn của thầy thuốc hay những người có chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, rượu tự pha chế có sử dụng chất methanol là loại cực kỳ độc hại bởi methanol không được phép sử dụng để uống, chỉ sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Trong rượu bình thường, hay còn gọi là rượu thực phẩm có chứa chất cồn ethanol. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây ngộ độc nếu dùng quá mức cho phép. Ethanol có khả năng gây ức chế, làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ ron thần kinh.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, say rượu và ngộ độc rượu pha cồn methanol có triệu chứng giống nhau. Sau khi uống rượu, nếu thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, nôn và đau bụng kèm theo mắt mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc thì phải đến ngay cơ sở y tế. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. 

Mặt khác, cần biết là bia cũng có thể gây ngộ độc chứ không chỉ là rượu như nhiều người vẫn nghĩ. Người dân nên mua và sử dụng các loại rượu, bia đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Đặc biệt, không nên lạm dụng rượu, bia trong những ngày Tết, nhất là đối với người mắc các bệnh mạn tính như: Tim mạch, tiểu đường, huyết áp...

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp hết (trung bình khoảng 10gam cồn - tương đương 1 đơn vị cồn, tức 1 ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia hơi trong mỗi giờ). Tuy nhiên, nếu uống quá mức dung nạp, chất độc sẽ bị tồn lại trong gan, gây độc cho cơ thể. Ngoài ra, rượu, bia còn là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh ung thư, và uống càng nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top