Y tếSức khỏe

Dinh dưỡng không hợp lý ngày Tết:

Nguy cơ mắc thêm bệnh

09:06 - Thứ Hai, 23/01/2017 Lượt xem: 5048 In bài viết
Trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình đều có bánh chưng, dưa hành, mứt, thịt… Các món ăn này tuy nhiều dinh dưỡng nhưng lại chưa phù hợp với những người mắc bệnh mạn tính. Hơn nữa, nhiều gia đình mua thực phẩm về trữ lạnh, chế biến sẵn nhiều món ăn và nếu bảo quản không tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm phát sinh các bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nhiều bệnh nặng hơn sau Tết

Tết là dịp mọi người vui chơi, gặp gỡ, tiệc rượu liên miên khiến cơ thể mệt mỏi, tăng cân, thậm chí mắc thêm bệnh. Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, các bệnh như: Gan nhiễm mỡ, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cao huyết áp, viêm loét dạ dày, tim mạch… có chiều hướng tăng lên.

 

Ăn uống khoa học là cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết.

TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) lý giải, dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm hơn, do đó nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Thế nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng lượng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết như: Bánh chưng, mứt, giò, thịt đông… lại có năng lượng rất cao. Chính chế độ ăn nhiều đường, béo, đạm động vật trong ngày Tết là "thủ phạm" cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính.

Thời điểm sát Tết, tại Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) những bệnh nhân sức khỏe ổn định đều được chỉ định về nhà ăn Tết với gia đình. Do đó, thời điểm này, khoa chỉ còn có 30-40 ca bệnh nặng ăn Tết cùng các bác sĩ tại BV. Thế nhưng, theo TS Vũ Trường Khanh, có những bệnh nhân vừa được chỉ định ra viện, thì đến 30 Tết đã nhập viện trở lại. Nguyên nhân là sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân “mải vui” với những bữa tiệc rượu mà quên mất bệnh trong người. Do ăn uống quá đà khiến bệnh tình thêm nặng hơn. Vì vậy, trước Tết khoa thường vắng bệnh nhân nhưng sau Tết lại trở nên quá tải khiến các bác sĩ phải làm việc hết công suất.

“Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, khâu quan trọng nhất là chọn lựa thực phẩm an toàn. Trong trường hợp bị ngộ độc tại nhà, cần ngưng ngay việc dùng thức ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc, thu thập mẫu thức ăn nghi ngờ để cung cấp cho cơ quan điều tra, cơ sở điều trị giúp truy tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, nhanh chóng gây nôn để tống thức ăn có độc ra ngoài. Cuối cùng, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ”.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã có gần 1.500 tổng số lượt khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc rượu (say rượu) trên cả nước, trong đó có 2 ca tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đưa ra cảnh báo, hằng năm, ở thời điểm sau Tết Nguyên đán, có nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân thường do các gia đình có thói quen tích trữ thức ăn, thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết, thực phẩm chín, sống để lẫn lộn khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn…

Nên ăn đúng bữa, đúng mức

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, việc ăn uống khoa học là cách tốt nhất bảo đảm cho mỗi người có một năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc. Do vậy, ngày Tết dù bận rộn nhưng vẫn cần bảo đảm ăn đúng bữa. Đặc biệt, với trẻ em và người lớn tuổi hệ tiêu hóa làm việc không như những người trưởng thành càng phải được chăm sóc các bữa ăn và ăn đúng giờ. Với trẻ nhỏ, các bà mẹ cần cho trẻ ăn đủ nhu cầu cần thiết, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước... đề phòng bị tiêu chảy. Các gia đình hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, uống các loại nước ngọt, nhất là vào trước bữa ăn.

Bà Lê Thị Hải lưu ý thêm, nên tăng cường thêm rau xanh trong ngày Tết. Chính nhờ việc tăng cường chất xơ sẽ góp phần hạn chế hấp thu chất béo. Hơn nữa, do ngày Tết thường ít vận động, nghỉ ngơi nhiều hơn nên mỗi người luôn chú ý khẩu phần ăn tổng thể trong ngày Tết phải ít hơn ngày đi làm. Riêng với những người bị thấp khớp, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp cần đặc biệt chú ý đến một chế độ ăn uống điều độ, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình nhưng không cần kiêng khem quá mức. Với người lớn tuổi, người béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… không nên ăn nhiều các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường.

Chính vì vậy, các loại dưa muối, lạp xưởng, giò thủ, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, da gà… dù khoái khẩu cũng nên hạn chế, khoảng 100g/ngày, thậm chí ít hơn nữa nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định. Do đó, người dân cần thực hiện chế độ ăn khoa học với khẩu phần hợp lý, tăng cường chất xơ, giảm chất béo, hạn chế rượu bia đồng thời tăng vận động để năng lượng được chuyển hóa. Nếu biết cách lựa chọn, mỗi người hoàn toàn có thể thưởng thức những món ăn truyền thống ngày Tết vừa ngon vừa bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top