Y tếSức khỏe

Tương tác thuốc với rượu bia - Những nguy hiểm cần tránh

15:13 - Thứ Tư, 15/02/2017 Lượt xem: 6399 In bài viết
Hiểm họa do tương tác thuốc và rượu bia có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm khó lường, nhất là trong dịp Tết vừa rồi nhu cầu sử dụng rượu bia tăng đột biến...

Hiểm họa do tương tác thuốc và rượu bia có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm khó lường, nhất là trong dịp Tết vừa rồi nhu cầu sử dụng rượu bia tăng đột biến, điều này càng nguy hiểm đối với những người có bệnh mạn tính phải dùng thuốc hàng ngày.

 

Đa số các loại thuốc đều tương tác bất lợi với rượu bia.

Dịp Tết cổ truyền thường đi kèm với các buổi họp, chúc tụng, giao lưu trước, trong và sau Tết. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra về thực trạng sử dụng rượu bia do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đồng thực hiện công bố gần đây cho thấy, lượng người sử dụng rượu bia, lượng rượu bia được dùng, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu bia đều gia tăng nhanh tại Việt Nam. Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, so sánh giữa năm 2010 và 2015 cho thấy, lượng người sử dụng bia rượu ở mức độ có hại tăng mạnh. Tỷ lệ nam giới dùng bia rượu ở mức độ có hại năm 2010 là 25% thì đến năm 2015 tỷ lệ này trên 44%. Năm 2010, người Việt Nam tiêu thụ 2,4 tỷ lít bia và năm 2015 tăng lên 3,4 tỷ lít bia. Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới về số lượng rượu bia sử dụng.

Tương tác bất lợi

Rượu bia thường có tương tác có hại với thuốc kê toa và thuốc không kê toa (OTC) và thậm chí một số loại dược thảo. Tương tác thuốc với rượu bia có thể gây ra các vấn đề như: buồn nôn và ói mửa; nhức đầu; buồn ngủ; chóng mặt; ngất xỉu; những thay đổi huyết áp; hành vi bất thường; mất phối hợp; tai nạn. Dùng chung rượu bia và thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng như: tổn thương gan; vấn đề tim mạch; xuất huyết nội; suy hô hấp; trầm cảm.

Trong một số trường hợp, tương tác rượu bia và thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm cho thuốc không có tác dụng gì cả hoặc làm cho các loại thuốc có hại hoặc thậm chí gây độc cho cơ thể. Ngay cả với một lượng nhỏ, rượu bia cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, choáng váng, mà có thể gây trở ngại cho sự tập trung và khả năng vận hành máy móc hay lái xe và dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Riêng ở người lớn tuổi, tương tác rượu bia với thuốc đặc biệt cần quan tâm. Ở người lớn tuổi, khi sử dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương nghiêm trọng gây nguy hiểm tính mạng và có thể để lại hậu quả tàn tật. Uống rượu bia cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh mạn tính sẵn có của bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và bệnh chuyển hóa như cholesterol máu cao, bệnh gút, đái tháo đường.

Các nhóm thuốc đặc biệt nguy hại khi kết hợp với rượu bia

Các nhóm thuốc sau khi kết hợp với rượu bia gây tương tác có hại nghiêm trọng cần đặc biệt chú ý:

Thuốc tim mạch: Có thể gây nhịp tim nhanh và thay đổi huyết áp đột ngột. Các thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn bêta, đối kháng calci, ức chế men chuyển khi dùng chung với rượu bia có thể làm tụt huyết áp (rượu bia có tác dụng làm giãn mạch dẫn đến hạ huyết áp), nhưng ngược lại có thể gây tăng huyết áp kèm tăng nhịp tim.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, viêm loét và chảy máu dạ dày. Thuốc chống viêm không steroid bao gồm các loại thuốc như: diclofenac, ibuprofen, indomethacin, piroxicam... Nếu uống chung các thuốc này với rượu bia sẽ tăng tác dụng có hại gây xuất huyết tiêu hóa lên gấp nhiều lần.

Thuốc điều trị đái tháo đường: Tránh dùng chung với rượu bia, vì rượu bia có thể làm giảm lượng đường trong máu và tương tác bất lợi với các thuốc điều trị đái tháo đường như glibenclamid, glipizid, glimepirid và metformin.

Thuốc chống đông máu warfarin: Dùng chung với rượu bia có thể có tương tác bất lợi làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông của warfarin, có thể dẫn đến xuất huyết nội hoặc tạo cục máu đông gây nghẽn mạch máu.

Thuốc ngủ, các thuốc ức chế thần kinh trung ương: Có thể dẫn đến suy hô hấp, khó khăn điều khiển động cơ hoặc lái xe và xuất hiện các hành vi bất thường. Một số thuốc thường gặp như diazepam, codein, barbiturat. Khi dùng chung với rượu bia các tác dụng bất lợi sẽ tăng hơn.

Ngoài ra, đối với thuốc không kê đơn như thuốc kháng histamin (promethazin, clorpheniramin, alimemazin) khi dùng cùng với rượu sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ do các thuốc kháng histamin gây ra. Vì vậy, khi phải uống thuốc điều trị bệnh cấp tính hay mạn tính thì không nên uống rượu bia để tránh các tác hại do các tương tác bất lợi giữa thuốc và rượu gây ra.

Theo SK&ĐS
Bình luận
Back To Top