Y tếSức khỏe

Khuyến cáo phòng bệnh ho gà khi xu hướng bệnh tăng

14:47 - Thứ Năm, 09/03/2017 Lượt xem: 4889 In bài viết
Triệu chứng bệnh lý ho gà xuất hiện sau 7-10 ngày ủ bệnh, khởi phát bằng dấu hiệu nhảy mũi, ho nhẹ, rồi nước mũi chảy ra nhiều. Trong 1-2 tuần tiếp theo ho nhiều, ho dài hơn, dẫn đến những cơn ho rũ rượi, khạc nhiều đờm.

Hà Nội có số ca nhiễm bệnh ho gà cao nhất  

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, trong 2 tháng gần đây, do tiết trời Đông-Xuân lạnh và ẩm, nên số lượng bệnh nhân mắc ho gà gia tăng.

 

Nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh ho gà.

Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương gửi về Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam.

Đáng lưu ý, số ca mắc bệnh ho gà nhiều nhất là Hà Nội (với 10 trường hợp), tiếp sau đó là Nam Định (5 trường hợp).

Tính đến chiều 8/3, đã có 5 trường hợp tử vong do mắc ho gà, trong đó có 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 trường hợp ở Cao Bằng và 2 trường hợp xin về ở Nam Định và Nghệ An.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm tỉ lệ 80%). Đây là các đối tượng chưa được tiêm chủng, hoặc mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh ho gà.

Các triệu chứng của bệnh ho gà  

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch được lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm qua giọt nước bọt li ti được bắn ra ở miệng người mang vi khuẩn với tỉ lệ từ 70-100%, nên lây lan nhanh.

Trước đây, dịch bệnh ho gà thường xảy ra có tính chu kỳ cứ mỗi 3-4 năm/lần. Ở những quần thể dân cư chưa có miễn dịch, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Dịch bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em ở lứa tuổi đi học và trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em bị mắc bệnh ho gà, nhưng kể từ ngày có vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ho gà ở trẻ em đã giảm đi rất nhiều.

Triệu chứng bệnh lý ho gà xuất hiện sau 7-10 ngày ủ bệnh, khởi phát bằng dấu hiệu nhảy mũi, ho nhẹ, rồi nước mũi chảy ra nhiều. Trong 1-2 tuần tiếp theo ho nhiều, ho dài hơn, dẫn đến những cơn ho rũ rượi, khạc nhiều đờm.

Vì ho nhiều, không đủ thời gian hít hơi vào, trẻ thường cố gắng hít mạnh sau mỗi cơn ho; luồng không khí hít vào nhanh qua đường hô hấp có nhiều chất đờm nhầy tạo ra âm thanh rít như tiếng rù cổ của gà, vì vậy được gọi là bệnh ho gà.

Những cơn ho dữ dội và kéo dài lâu sẽ làm cho trẻ bị nôn ói, mệt nhiều, khó thở. Sau 1-2 tháng cơn ho bớt dần và có khả năng hồi phục. Tuy vậy, ho có thể kéo dài tới 3 tháng và thường phối hợp với triệu chứng nôn. Đối với trẻ nhỏ, nhiều khi thấy biểu hiện tím tái, ngạt thở và co giật.

Bệnh làm cơ thể suy yếu, dễ bị các biến chứng thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp lực phổi, nhiễm trùng cơ hội... Vi khuẩn ho gà cũng có khả năng gây bệnh lý cho não do tình trạng thiếu khí oxy và dẫn đến tử vong.

Tử vong chung của bệnh thường chiếm tỉ lệ khoảng 0,3%, nhưng ở trẻ nhỏ thì tỉ lệ tử vong có thể chiếm tới 0,5%.  Đối với những trẻ dưới 1 tháng tuổi, nếu mắc ho gà thì thường tiến triển bệnh nặng rất nhanh và tỉ lệ tử vong lên đến gần 90%.

Do ho gà thường có thời gian ủ bệnh dài nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Để phòng bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc, hoặc nghi ngờ mắc ho gà, đối với trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1-3 tháng tuổi, vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ dàng phát hiện và dễ gây biến chứng nặng.

“Phụ huynh không nên quá lo lắng, nhưng cũng không nên chủ quan, vì ngay cả khi bé chỉ được chăm sóc tại nhà cũng vẫn có thể lây vi khuẩn ho gà từ thành viên trong gia đình (người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh)”,  TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top