Y tếSức khỏe

Phòng và điều trị sỏi thận bằng y học cổ truyền

09:09 - Thứ Hai, 24/04/2017 Lượt xem: 6350 In bài viết
ĐBP - Sỏi thận là bệnh lý thuộc hệ tiết niệu, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 5-10% dân số. Bệnh sỏi thận hay gặp ở tuổi trưởng thành 30-50 tuổi. Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận mãn tính với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như: nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa (ví dụ bệnh gút) hoặc do chế độ ăn, uống không hợp lý (ăn quá nhiều thức ăn có chứa oxalat có trong socola; nho; trà, uống quá ít nước hoặc ăn kiêng gây thiếu chất đặc biệt là vitamin B6 và magie). Ngoài ra, sỏi thận có thể do dị dạng đường tiểu hoặc các bệnh đường tiểu làm cản trở lưu thông nước tiểu gây ứ đọng tạo nên sỏi. Sỏi thận có thể do nhiễm khuẩn đường tiểu (viêm thận, viêm bàng quang, niệu đạo…); sỏi bàng quang, sỏi niệu quản có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng gây nhiễm khuẩn thận.

Khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân đến khám với các biểu hiện như: Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng, buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận. Đái máu là biến chứng thường gặp của sỏi thận – tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu. Đái buốt, đái rắt, đái mủ: Khi có nhiễm khuẩn  tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi, người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viên thận, bể thận cấp. Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.

Việc điều trị sỏi thận cần được bác sỹ chẩn đoán và điều trị tùy vào kích thước của viên sỏi. Với sỏi nhỏ, có thể uống nước nhiều, uống nước râu ngô hay thuốc lợi tiểu cũng như một số loại thuốc nam để kích thích bài tiết, sỏi cũng theo đó ra ngoài, bệnh nhân có thể được uống thuốc giãn cơ để niệu quản không co thắt, đồng thời uống thuốc lợi tiểu để sỏi ra ngoài. Nếu sỏi đã quá lớn khi phát hiện hoặc điều trị nội khoa không có kết quả, bệnh nhân có thể được chỉ định mổ thận lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi, thậm chí làm ổ nội soi gắp sỏi. Tùy theo thể trạng của mỗi người mà bác sỹ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

Theo đông y sự suy giảm chức năng đào thải của thận, gan và lá lách là một trong những nguyên nhân chính gây ra sỏi thận. Các bài thuốc đông y thường dựa trên cơ chế ổn định nhiệt, tăng cường chức năng của các cơ quan này giúp tăng khả năng bài tiết, khả năng lọc và thải các chất cạn bã ra ngoài. Sau đây là bài thuốc đông y do bác sỹ Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển. Bài thuốc gồm các vị sau:

- Vị thứ 1: Kim tiền thảo còn gọi là đồng tiền lông, vị này dùng cả thân, rễ và lá. Tác dụng của loại cây này là chữa sỏi thận, bài thạch, thông lâm, lợi tiểu, đái buốt và đái dắt.

- Vị thứ 2: Trạch tả còn gọi là mã đề nước, bộ phận dùng của loại thuốc này là củ của cây trạch tả. Công dụng chính là thông tiểu tiện, chữa phù thũng, đái buốt.

- Vị thứ 3: Ngưu tất, bộ phận dùng gồm rễ và thân. Công dụng chữa ứ huyết đặc biệt là chữa tiểu tiện ra máu rất tốt.

- Vị thứ 4: Sa tiền tử - hạt của cây bông mã đề, có tác dụng chữa phù thũng, ứ tiểu tiện và lợi tiểu.

- Vị thứ 5: Kê nội kim - Phần màng trong của mề gà: có tác dụng chữa sỏi thận rất tốt.

- Ngoài ra bài thuốc còn được phối hợp thêm 2 loại thuốc khác là uất kim hay củ nghệ khô trong trường hợp đái ra máu, đái ra sỏi, bị ứ huyết.

Khi các vị thuốc này kết hợp với nhau sẽ có tác dụng bài thạch, thông lâm, thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu và bài huyết rất tốt.

Cách dùng: Các vị thuốc được dùng từ 12-16gr đem sắc với 3-4 bát nước sắc còn 1 bát cho bệnh nhân uống 2 lần/ngày. Liệu trình điều trị thông thường là hơn 1 tháng, sau đó bệnh nhân tới kiểm tra lại, nếu sỏi chưa giảm hoặc chưa ra sẽ tiếp tục uống.

Khi sử dụng bài thuốc này người bệnh cần lưu ý: Tránh các loại thuốc tạo sỏi giảm đau như C sủi có chất gây carbon, các loại đậu phụ. Để phòng bệnh sỏi thận nên uống đủ nước mỗi ngày, trung bình khoảng từ 1,5-2 lít hạn chế sử dụng các chất đạm động vật như: thịt, trứng, cá… các sản phẩm chứa nhiều axit oxalate như soda, trà đá, chocolate, dâu tây, các loại hạt… Giảm lượng muối ăn hàng ngày, trung bình không nên quá 6gr/ngày, ăn uống cân đối 4 nhóm thực phẩm. Nếu bị dị dạng đường tiểu phải được phẫu thuật chỉnh hình, điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu giữ gìn vệ sinh sạch sẽ (nhất là với phụ nữ sau khi sinh), khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top