Y tếSức khỏe

Bệnh thủy đậu và cách phòng tránh

16:39 - Thứ Sáu, 28/04/2017 Lượt xem: 5905 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác một số người mắc bệnh thủy đậu. Nếu không biết cách phòng tránh, bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra, thường bùng phát thành dịch vào tháng 3, 4. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh, đặc biệt là lứa tuổi 2 - 8 và tuổi đi học, người lớn cũng có khả năng mắc bệnh và bệnh thường nặng hơn.

Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh nói, ho, hắt hơi dịch hầu họng và nước bọt bắn ra xung quanh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng có dính chất tiết dịch hầu họng. Bệnh có thể lây cho người khác từ 24 giờ - 7 ngày sau khi xuất hiện bóng nước. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Khi mắc bệnh thường có các biểu hiện như: mệt mỏi, phờ phạc, sốt 38oC - 39oC, khoảng 12 - 36 giờ sau xuất hiện những nốt ban đỏ hình tròn hoặc bầu dục kích thước 5 - 10mm ở vùng đầu, mặt, cổ và lan nhanh xuống ngực, bụng và toàn thân. Sau đó ban đỏ nhanh chóng biến thành những bóng nước trong như hình giọt nước bám trên bề mặt da, sau 24 - 48 giờ thì chuyển màu đục. Các nốt đậu mọc trước, sau trên cùng một diện tích da, vào cả vào niêm mạc miệng, đường hô hấp, tiết niệu làm khó nuốt, thở khó hoặc tiểu khó, nốt đậu càng nhiều thì bệnh càng nặng. Sau 3 - 5 ngày nốt đậu vỡ ra hoặc tự xẹp xuống và đóng vảy đen, vài ngày sau vảy rụng và thường không để lại sẹo. Thủy đậu thường diễn biến lành tính nhưng nếu không được chăm sóc hợp lý thì rất dễ xảy ra một số biến chứng như: viêm da do các loại liên cầu khuẩn và tụ cầu, có thể để lại sẹo sâu; viêm phổi; phụ nữ có thai mắc thủy đậu gây dị dạng bào thai, sảy thai, đẻ non, thai nhi sau khi sinh cũng bị thủy đậu. Ngoài ra còn gặp một số biến chứng khác như: viêm não, viêm cầu thận, viêm cơ tim… nhưng hiếm gặp. Bệnh thủy đậu có thể sẽ gây bệnh Zona hoặc viêm thần kinh cấp gây ra những cơn đau dữ dội về sau. Khi bị bệnh cần cách ly là một biện pháp an toàn giúp ngăn chặn lây lan. Để hạn chế dịch bệnh, các bậc phụ huynh không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc  nguy cơ lây nhiễm cao, những chỗ đông người. Đồng thời, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, tuyệt đối không được gãi hay làm vỡ các nốt thủy đậu, giữ cho da luôn khô và sạch. Khi bị thủy đậu, người bệnh không nên ăn một số loại thực phẩm như: hải sản, thịt gà, vịt, bò; nên uống từ 1,5 - 2 lít nước/ngày ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin. Phụ nữ khi có ý định mang thai cần tiêm vắc xin thủy đậu trước khi có thai từ 2 - 3 tháng để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.

Khi thấy người bệnh có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, lơ mơ, đau tức ngực, khó thở, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top