Y tếSức khỏe

Không chủ quan trước bệnh thủy đậu ở trẻ

09:55 - Thứ Hai, 22/05/2017 Lượt xem: 7034 In bài viết
ĐBP - Thủy đậu (phỏng rạ hay trái rạ) là bệnh do virut Varicella Zoster gây nên, dễ lây lan trong cộng đồng và thường bùng phát thành dịch... Do đó, để hạn chế thấp nhất những ca mắc thủy đậu, tránh bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần nâng cao ý thức, chủ động phòng chống dịch bệnh cho trẻ và gia đình.

 

Cán bộ TTYT huyện Điện Biên Đông thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Bác sỹ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, cho biết: Tính đến nay trên địa bàn huyện có 38 ca mắc thủy đậu; trong đó, 25 trường hợp là trẻ nhỏ chủ yếu ở các xã vùng cao: Pú Nhi, Sa Dung, Pú Hồng... Vào tháng 4 - 5, khi thời tiết giao mùa là cao điểm của bệnh thủy đậu. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 20 ngày sau khi nhiễm vi rút; khi phát bệnh có thể thấy biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, sau đó cơ thể xuất hiện những nốt đậu, lúc đầu là những hồng ban nhỏ, xuất hiện nhanh trong khoảng từ 12 - 24 giờ. Sau 1 - 2 ngày mới xuất hiện nốt đậu là những mụn nước, bóng nước; nốt đậu có thể mọc toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể. Đa số nốt đậu đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đường kính tới 10mm. Đối với trẻ nhỏ, bên cạnh mụn nước thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn; bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước nhưng không để lại sẹo. Trường hợp bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Một số trường hợp, có thể bị biến chứng nặng, như: Viêm phổi, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Minh: Để phòng, tránh bệnh thủy đậu, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Đối với trẻ để phòng bệnh, phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho bé bằng việc bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết, ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin C. Vào mùa dịch bệnh, phụ huynh cần chú ý tắm rửa, vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, nên cắt móng tay, giữ tay trẻ sạch. Trường hợp đã bị thủy đậu, có thể dùng bao tay vải nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng. Đặc biệt, nếu trẻ thấy khó chịu, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Hiện tại, đang vào thời kỳ bệnh thuỷ đậu phát triển mạnh và có thể lây lan thành dịch; để đảm bảo an toàn, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vắc xin; tuyệt đối không sử dụng các loại vắc xin không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top