Y tếSức khỏe

Cách phòng chống bệnh dại

10:07 - Thứ Hai, 26/06/2017 Lượt xem: 5030 In bài viết
ĐBP - Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 - 8 hàng năm. Vi rút dại có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ, dễ bị phá hủy bởi các chất hòa tan lipid như: xà phòng, rất nhạy cảm với tia cực tím và bị bất hoạt nhanh chóng trong dung dịch cồn iod.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn liên quan đến nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần dây thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Nguồn lây bệnh: Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó, mèo… Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương.

Biểu hiện của bệnh: Cơn dại bắt đầu với cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, khó chịu và cảm giác dị thường liên quan đến vết thương do động vật cắn. Mỗi khi nhìn thấy nước hoặc uống nước, cơ nuốt co thắt làm cho bệnh nhân sợ hãi. Sau đó, bệnh tiến triển đến liệt, có cơn điên cuồng hoặc co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn. Nạn nhân chết do liệt cơ hô hấp; những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong.

Phòng chống bệnh dại: Mỗi gia đình, người dân cần hiểu rõ bản chất nguy hiểm của bệnh, có biện pháp phòng chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật. Các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh chó, mèo trong khối, bản thực hiện tốt các biện pháp quản lý như: Không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Đối với động vật bị dại, gia đình cần phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương diệt ngay chó hoặc động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu ổ dịch. Tiêu hủy động vật bị mắc bệnh dại, vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng ổ dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng ổ dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng có dịch.

Xử trí vết thương khi bị chó, mèo cắn

Rửa các vết cắn, cào trong 15 phút với nước và xà phòng sau đó sát khuẩn bằng cồn 70o hoặc cồn iod để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng như: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, sữa tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván. Các trường hợp bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam. Khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như là 100% đối với người và động vật. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Hà Hương (Trung tâm DS-KHHGĐ Tuần Giáo)
Bình luận
Back To Top