Y tếSức khỏe

Gia tăng viêm não Nhật Bản do không tiêm vắc xin

10:45 - Thứ Hai, 10/07/2017 Lượt xem: 5697 In bài viết
Từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm là “mùa” của dịch bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là thời điểm nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi để các loại vi rút gây bệnh phát triển. Khi mắc bệnh này, nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Tiêm chủng là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh. Thế nhưng, thực tế cho thấy, trẻ mắc viêm não Nhật Bản hầu hết là do không tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi quy định.

Nhiều phụ huynh vẫn chủ quan

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não vi rút trung bình khoảng 1.000-1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20-50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200-300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa hè. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số ca mắc chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đang vào thời kỳ đỉnh điểm. 

 

Một người mẹ chăm sóc con mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng trẻ nhập viện do căn bệnh viêm não Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6 đến nay đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Số trẻ mắc bệnh đa phần đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. 

TS, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong từ 10 đến 20% và di chứng cao ở trẻ nhỏ từ 25 đến 35%. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, ảnh hưởng đến nhận thức, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chị Nguyễn Thị H. (ở Bắc Ninh) có con trai 4 tuổi mắc viêm não Nhật Bản, vừa khóc vừa cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, con chị sốt cao 40 độ C. Chị đã cho con dùng thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả. 2 ngày sau, cháu sốt li bì, co giật nhiều. Khi cấp cứu đến Bệnh viện Nhi trung ương, cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. “Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc viêm não Nhật Bản. Tôi rất ân hận vì chưa tiêm vắc xin phòng bệnh này cho cháu”, chị Nguyễn Thị H. nói.

Tương tự, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), số trẻ nhập viện được xác định mắc viêm não Nhật Bản cũng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh này thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.

Trong 1-2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Do viêm não cấp xuất hiện rất nhanh, dấu hiệu ban đầu là sốt cao lại rất giống với nhiều bệnh lý thông thường như: Cảm, sốt, đau đầu… nên nhiều phụ huynh không biết hoặc chủ quan. Nhiều bệnh nhi được dùng thuốc ở nhà, đến khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm não mới đưa tới bệnh viện thì bệnh đã nặng. Khi đó, bệnh nhi đã bị rối loạn tri giác, tính mạng bị đe dọa.

Không được lơ là tiêm chủng 

Theo TS, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè, hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta. Bệnh này cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và diệt muỗi là 2 biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tiêm vắc xin đầy đủ là cách duy nhất để phòng tránh căn bệnh không mới nhưng đáng sợ này. Nhờ thành quả của chiến dịch tiêm vắc xin, những năm qua, số lượng bệnh nhân viêm não Nhật Bản đã giảm đi hàng nghìn lần. Thế nhưng, trên mạng xã hội lại xuất hiện hội các bà mẹ lập nhóm “nói không với vắc xin”. Với việc các bà mẹ tẩy chay không chỉ với vắc xin viêm não Nhật Bản mà còn với tất cả các loại vắc xin khác là một quyết định rất nguy hiểm không chỉ cho con của họ mà còn cho cả cộng đồng. Khi các bà mẹ không đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn.

Với bệnh viêm não Nhật Bản hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1-5 tuổi. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản bổ sung cho đối tượng trẻ từ 6 đến 15 tuổi tại 16 tỉnh, thành phố đang lưu hành dịch bệnh viêm não Nhật Bản, có nguy cơ bùng phát dịch cao nhằm giảm đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản. Cụ thể, mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh không được lơ là việc tiêm chủng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top