Y tếSức khỏe

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

09:03 - Thứ Hai, 07/08/2017 Lượt xem: 4941 In bài viết
ĐBP - Sốt xuất huyết (SXH) hiện đã lan rộng ra 61/63 tỉnh, thành trong cả nước và tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Điện Biên tuy không nằm trong vùng trọng điểm về SXH nhưng nguy cơ bùng phát dịch rất lớn do khí hậu thay đổi là điều kiện thuận lợi để loài muỗi truyền bệnh phát triển và gây bệnh. Chính vì vậy, các cơ sở y tế cùng với người dân cần chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh SXH trên địa bàn.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, do muỗi mang vi rút thông qua vết đốt truyền cho người. Có nhiều loại muỗi có khả năng truyền bệnh SXH, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus (muỗi vằn). Đây là loại muỗi ưa thích hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước xung quanh khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 7 - 10 trong năm. Tại tỉnh ta, từ năm 2012 - 2016 đã ghi nhận 4 trường hợp mắc SXH. Riêng 7 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp (tại huyện Nậm Pồ) có xét nghiệm dương tính với vi rút SXH hiện nay đã được chữa khỏi; 6 trường hợp nghi ngờ mắc SXH lâm sàng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Dịch tễ Trung ương.

Ông Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Do đặc điểm địa hình, khí hậu nên loài muỗi vằn - tác nhân gây bệnh SXH trên địa bàn tỉnh ta không nhiều như các địa phương khác. Do đó, Điện Biên không phải vùng trọng điểm về SXH. Kết quả điều tra yếu tố dịch tễ cho thấy các trường hợp mắc chủ yếu nhiễm bệnh từ các nơi khác về phát bệnh tại địa phương. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân ghi nhận nhiễm SXH tại tỉnh ta tới thời điểm này đã đi du lịch ngoài tỉnh trước lúc phát bệnh; 6 bệnh nhân nghi nhiễm cũng đã tới các vùng có nguy cơ cao về SXH trước khi trở lại địa phương. Tuy vậy, cũng không thể lơ là trước diễn biến phức tạp đang diễn ra của bệnh SXH. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động xây dựng cụ thể kế hoạch phòng chống dịch bệnh ở người. Trong đó, tập trung vào tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng qua các buổi nói chuyện chuyên đề, họp dân… để người dân hiểu biết và cùng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng các thông điệp truyền thông cho người dân và cộng đồng về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, các kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh nguy hiểm, trong đó có SXH. Ngoài ra, các cơ sở y tế tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh xuống cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Các cơ sở y tế thường xuyên cập nhật và tổ chức quy trình tập huấn về quy trình xử lý ổ dịch, phác đồ điều trị bệnh SXH, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc cho cán bộ làm chuyên môn tại tất cả các tuyến, đặc biệt là các chuyên ngành như: truyền nhiễm, nhi, hồi sức cấp cứu, nhiễm khuẩn…

Hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh có thể gây dịch lớn với nhiều người mắc làm cho công tác điều trị và phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, hơn nữa bệnh có thể gây tử vong nhất là với trẻ em. Để phòng chống bệnh SXH, Bác sỹ Đàm Thanh Tú khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Khi có các biểu hiện của bệnh SXH, như: Sốt cao đột ngột 39 - 400C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, cơ thể nổi mẩn, phát ban... người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top