Y tếSức khỏe

Bộ Y tế họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết

14:31 - Thứ Sáu, 11/08/2017 Lượt xem: 4617 In bài viết
Do bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH vẫn tăng nhanh tại Hà Nội và TPHCM,… chiều tối 10/8, Bộ Y tế đã họp khẩn bàn biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch.

Đã có 22 trường hợp tử vong do SXH

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, trong đó, nhập viện là 69.085 người, 22 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.

 

Bộ Y tế họp khẩn bàn biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch.

10 tỉnh, thành phố có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Khánh Hòa và Tiền Giang. Hiện nay, Hà Nội và TPHCM có số ca mắc SXH nhiều nhất cả nước: Hà Nội ghi nhận 13.982 ca mắc, 5 tử vong; TPHCM ghi nhận 16.534 ca mắc.

Số ca mắc SXH chủ yếu tập trung ở miền Nam (55%) và miền Bắc (21%). Tuy nhiên, miền Bắc có số ca tăng nhanh, trong đó có Hà Nội và Nam Định tăng nhanh nhất. Tuổi mắc SXH ở miền Nam đa số là lứa tuổi trẻ (dưới 15 tuổi chiếm 55%), còn miền Bắc lứa tuổi mắc trên 15 tuổi chiếm 80%.

Còn theo thông tin từ ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ 21/7 đến 9/8, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2.027 ca SXH, trong số đó có tới 1.760 ca tại Hà Nội, chiếm 87%. Số ca mắc tuần sau luôn cao hơn tuần trước.

Phải ‘hạ hỏa’ bằng mọi cách

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi với các cơ quan quản lý rằng, vì sao trong thời gian vừa qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện mọi biện pháp phòng chống dịch, mà số ca mắc vẫn tăng nhanh, các BV vẫn quá tải, số ca tử vong vẫn ghi nhận?

Ông Trần Đắc Phu cho biết, theo giám sát, nguyên nhân khiến số ca mắc SXH tăng nhanh là do mật độ muỗi tăng nhiều. Các dụng cụ là nơi bọ gậy, loăng quăng phát triển còn nhiều. Mùa mưa năm nay cũng đến sớm hơn mọi năm.

Điều đáng lo ngại là hiện nay miễn dịch cộng đồng thấp hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, ý thức thu dọn vệ sinh, phối hợp với ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi của người dân vẫn chưa cao.

Còn theo lý giải của ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một nguyên nhân nữa khiến số ca mắc SXH tăng là do các năm trước chỉ ghi nhận số ca mắc ở tuýp D1, D2, còn năm nay ghi nhận thêm ca mắc tuýp D4.

Đại diện cho khối BV, lãnh đạo BV Saint Paul cho biết, hiện nay, ở BV, cứ 5 người làm xét nghiệm SXH thì chỉ có 1 người dương tính. Trong số dương tính thì không phải ai cũng cần nhập viện. Nhưng nhiều người do quá lo lắng về căn bệnh này nên yêu cầu, thậm chí gây áp lực để được nhập viện, mặc dù bệnh không nặng và đã được thầy thuốc giải thích cặn kẽ.

Còn Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính báo cáo: Số bệnh nhân nhập viện không nhiều, nhưng số đến khám rất nhiều, thậm chí có bệnh nhân đến khám 3 ngày liên tục vì họ vẫn bị sốt cao.

Trước tình hình bệnh SXH không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: “Giai đoạn này phải ‘hạ hỏa’ bằng mọi cách”.

Theo Bộ trưởng Y tế, cách “hạ hỏa” hiệu quả nhất hiện nay là phun thuốc diệt muỗi trong nhà người dân và phải tổ chức thành chiến dịch; đồng thời phun ở chợ, BV, trạm y tế xã phường, trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng… nơi được coi là ổ truyền nhiễm 3 lần/tháng. “Nếu Hà Nội không đủ lực lượng, thì kêu gọi hỗ trợ, huy động từ các tỉnh xung quanh chưa có dịch”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng, cách phòng, chống bệnh SXH hữu hiệu nhất chính là việc người dân phải chủ động tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng. Nếu bị bệnh hãy đến cơ sở y tế để thăm khám. Phần lớn người mắc SXH sẽ tự khỏi, nên người dân không nên quá lo lắng. Chỉ nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ để tránh lây chéo.

Đối với bệnh nhân phát hiện SXH và điều trị ngoại trú cần phải uống nhiều nước cam, chanh, dừa, uống orezol để bù nước; không được tự ý truyền nước vì dễ dẫn đến phù nội tạng.

 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại quận Hoàng Mai.

* Trong sáng nay, 10/8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại quận Hoàng Mai, thăm bệnh nhân mắc SXH tại BV Thanh Nhàn và làm việc với các sở, ngành liên quan của Hà Nội về tình hình SXH.

Ông Hoàng Trung Hải đề nghị các cơ quan của thành phố và các địa phương phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để mỗi người dân tự biết cách phòng tránh SXH. Đặc biệt, phải vận động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền; giao ban hằng tuần để đánh giá và có giải pháp chống dịch phù hợp. Đồng thời tuyên truyền về diễn biến và đặc thù bệnh SXH của năm nay để người dân tự bảo vệ; nêu rõ danh mục dụng cụ hay đọng nước tại các gia đình để người dân xử lý.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhận định, có thể thời điểm bây giờ vẫn chưa lên đến đỉnh dịch SXH, bởi mọi năm đỉnh dịch thường vào tháng 11, vì vậy đề nghị các quận, huyện huy động cả lực lượng vũ trang vào chống SXH.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của Thành phố đang quá tải phải có sự điều hành hết sức khoa học, rà soát, phân luồng khám chữa bệnh, phân loại bệnh nhân để giảm quá tải ở tuyến trên, bệnh nhân nhẹ chuyển về cơ sở y tế xã phường, có hỗ trợ chuyên môn từ BV.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top