Y tếSức khỏe

Rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

09:56 - Thứ Hai, 23/10/2017 Lượt xem: 5328 In bài viết
ĐBP - Rửa tay bằng xà phòng từ lâu được xem là một trong những biện pháp hiệu quả và đơn giản trong việc phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Do đó, hàng năm, để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) liên tục phối hợp với các tổ chức, như: Unicef, World Bank và các tổ chức trong nước thường xuyên phát động lễ hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.

Năm nay, với chủ đề: “Bàn tay sạch - Tương lai sáng”, lễ phát động hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2017 do Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Trường Tiểu học Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên) vào trung tuần tháng 10 vừa qua đã thu hút gần 1.000 học sinh, giáo viên và đại biểu tham gia. Theo thống kê của tổ chức UNICEF, tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Ðây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa, như: Tiêu chảy, tả, lỵ, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay chân miệng...

 

Cán bộ, giáo viên và đại biểu thực hiện rửa tay mẫu đúng cách tại Lễ phát động, hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, năm 2017.

Theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2016 trên địa bàn tỉnh, cho thấy: Trong tổng số hộ dân nông thôn được điều tra, rà soát đánh giá toàn tỉnh là 94.410 hộ với 493.357 người, thì số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 77,09%; số người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 62,09%; số người sử dụng nguồn nước đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sinh hoạt QCVN 02 do Bộ Y tế ban hành từ các mẫu nước kiểm tra của các nguồn cấp nước nhỏ lẻ là 310 người; tỷ lệ trường học có nước hợp vệ sinh: 91,46%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước hợp vệ sinh: 69,83%. Ðiều đó cho thấy, số người dân nông thôn được sử dụng nước theo quy chuẩn trên địa bàn còn thấp, chủ yếu là nguồn nước hợp vệ sinh chứ chưa đảm bảo các quy chuẩn của Bộ Y tế. Phát biểu tại lễ phát động vừa qua, ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho rằng: Việc tổ chức lễ phát động này cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông sẽ dần thay đổi nhận thức của người dân cũng như trẻ em trong việc rửa tay bằng xà phòng. Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi hành vi, thay đổi ý thức thì cũng phải có nước sạch, phải có xà phòng hoặc các chất rửa tay khác. Chính vì thế, vừa qua Chính phủ đang triển khai dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường khoảng 200 triệu USD cho 21 tỉnh, trong đó có Ðiện Biên.

Cũng tại buổi lễ, ông Lalit Patra, Trưởng Dự án Nước sạch và Vệ sinh môi trường của Unicef Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng như một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, giúp ngăn ngừa các bệnh tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Ông Lalit Patra khẳng định, giai đoạn  2017 - 2021, Unicef tiếp tục hỗ trợ Ðiện Biên để triển khai và nhân rộng mô hình phát triển trẻ thơ toàn diện, để trẻ em từ 0 đến 8 tuổi có cơ hội tốt nhất được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như cấp nước vệ sinh, dinh dưỡng, giáo dục, y tế…

Có thể nói, thời gian qua, công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng đã và đang được các cấp, ngành, các tổ chức đặc biệt quan tâm và triển khai bằng nhiều hoạt động khác nhau. Bởi vậy, lễ phát động rửa tay bằng xà phòng năm nay là hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của học sinh về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng trong phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém để ngăn ngừa dịch bệnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top