Y tếSức khỏe

Phòng chống tác hại của thuốc lá

Tác hại của thuốc lá với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

09:48 - Thứ Tư, 01/11/2017 Lượt xem: 5844 In bài viết
ĐBP - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên toàn thế giới sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển kéo dài trong nhiều năm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tàn phế và tử vong. Người hút thuốc lá có nguy cơ tàn phế và tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc lá do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên, có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói bụi nghề nghiệp, khói bếp than, có tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp. Theo nghiên cứu dịch tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong dân cư tại TP. Ðiện Biên Phủ, năm 2016 của nhóm bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho thấy: Nghiên cứu ở 2.029 người có độ tuổi bằng và lớn hơn 40 tuổi đang sinh sống tại 6 xã, phường của thành phố. Kết quả nghiên cứu có 2,9% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong đó bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc lá là 67,24%. Triệu chứng hay gặp nhất là thường xuyên ho, khạc đờm vào buổi sáng.

Khi hút thuốc vào, khói thuốc lá kích thích niêm mạc đường thở, chất acrolein và chất phenols có trong thuốc lá làm tăng tiết chất nhầy và tổn thương tế bào hô hấp. Một số chất khác làm cho các lông mao trên niêm mạc đường hô hấp hoạt động suy yếu. Những chất độc hại trong thuốc lá làm giảm sức đề kháng tại chỗ trong đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ phổi dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, còn có những chất làm suy yếu và hư hại các sợi đàn hồi của phế quản và phế nang nên phổi dễ mất tính đàn hồi, dễ bị ứ khí. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, người hút thuốc càng trẻ thì nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng sớm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể điều trị và phòng bệnh bằng cách: Không hút thuốc lá, những người đang hút thuốc lá nên cai thuốc; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Người bệnh cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là vệ sinh răng miệng; tránh nhiễm lạnh; thực hiện chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý để nâng cao sức khỏe thể lực.

Bích Duyên (T4G)
Bình luận
Back To Top