Y tếSức khỏe

Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường

Nâng cao sức khỏe cộng đồng

09:34 - Thứ Hai, 13/11/2017 Lượt xem: 4789 In bài viết
ĐBP - Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Những năm trước đây, ngành Y tế tỉnh được giao làm “đầu mối” thực hiện hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Với vai trò này, ngành đã tích cực chủ động, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tập trung nguồn lực và nguồn vốn để tuyên truyền, vận động người dân vùng nông thôn tự nguyện xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình để tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, ngành Y tế tập trung triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, cụ thể là truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh công cộng trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung chủ yếu là triển khai các mô hình vệ sinh tổng thể có sự tham gia của cộng đồng. Qua đó, ý thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân ngày càng nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 29,4% (năm 2011) lên 47,3% (năm 2017). Trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 29,4% (năm 2011) lên 38,5% (năm 2017). Tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh từ 29,4% (năm 2011) lên 69,8% (năm 2017).

 

Ðại biểu tham gia hội nghị triển khai nội dung “Cải thiện điều kiện vệ sinh, nhà tiêu hộ gia đình, trạm y tế, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh” năm 2017 do Sở Y tế tổ chức đầu tháng 11.

Sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 kết thúc, ngành Y tế tỉnh tiếp tục được giao thực hiện nội dung “Cải thiện điều kiện vệ sinh, nhà tiêu hộ gia đình, trạm y tế, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ kinh nghiệm thực hiện ở giai đoạn trước cho thấy, việc hạn chế hỗ trợ kinh phí hộ gia đình xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những yếu tố tích cực, tránh sự trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước. Do đó, ngành Y tế xác định, nhiệm vụ chính vẫn là tập trung nguồn lực để triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng. Tiếp tục vận động người dân tự nguyện xây mới, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh” - ông Lường Văn Kiên nhấn mạnh.

Xác định việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhằm cải thiện môi trường, đẩy lùi, ngăn chặn các loại dịch bệnh. Ðầu tháng 11 vừa qua, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai nội dung “Cải thiện điều kiện vệ sinh, nhà tiêu hộ gia đình, trạm y tế, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh” năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu nhằm đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Ðó là kiện toàn mạng lưới truyền thông - tuyên truyền về vệ sinh môi trường, tăng cường đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và kỹ năng truyền thông cho cán bộ chuyên trách về vệ sinh môi trường các tuyến, nhất là tuyến xã và cộng tác viên thôn bản… Mục tiêu năm 2017 đề ra đó là nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn bản về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm nay, 100% cán bộ nòng cốt tuyến huyện, xã được tập huấn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên 48,1%. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trên 79%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh lên 100%.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top