Y tếSức khỏe

Tuân thủ điều trị tránh rủi ro từ bệnh hen phế quản

11:08 - Thứ Hai, 04/12/2017 Lượt xem: 4647 In bài viết
ĐBP - Hiểu biết của người dân trên địa bàn tỉnh ta về bệnh hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) còn rất hạn chế. Thậm chí, một số người dù biết tình trạng bệnh của mình nhưng chủ quan, không tuân thủ điều trị, đến khi cơn hen cấp bộc phát không xử lý kịp thời đã dẫn tới tử vong. Những trường hợp đáng buồn ấy gióng lên hồi chuông cảnh báo các bệnh nhân và người có triệu chứng hen phế quản cần nhận thức đúng đắn về bệnh để bảo đảm sức khỏe và tính mạng bản thân.

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây nên phù và chít hẹp đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè. Khi gặp tác nhân kích thích, tình trạng chít hẹp đường thở gia tăng càng gây khó thở, thậm chí không thở được của người bệnh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những cơn khó thở, nặng ngực, khò khè, thở vít. Yếu tố có thể gây kích phát cơn hen là tiếp xúc với các chất dị nguyên (phấn hoa, lông thú, mạt bụi, ẩm mốc, hóa chất, đồ ăn dễ gây dị ứng...); thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí lạnh; vận động quá sức; cảm xúc mạnh (lo lắng, căng thẳng...). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh là do các yếu tố về gen cùng với yếu tố môi trường (như tiền sử gia đình, nhiễm vi rút khi còn nhỏ và tiếp xúc với chất gây dị ứng quá sớm). Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng: Phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mãn, lên cơn hen cấp... Mặc dù tỷ lệ dẫn tới tử vong của bệnh cao nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh sẽ được khống chế.

Ðể hạn chế những rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ chuyên khoa II Ðỗ Quang Hải, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, khuyến cáo: “Khi có những triệu chứng của bệnh cần đến các cơ sở y tế khám, phát hiện và điều trị sớm. Người mắc bệnh hen phế quản phải thường xuyên thăm khám định kỳ, thực hiện dự phòng tốt, tránh các chất dị nguyên, tạo môi trường sống trong lành, không sử dụng thuốc lá, rượu bia, tuân thủ điều trị và thường xuyên mang theo thuốc dự phòng. Khi bệnh nhân lên cơn khó thở, hen không kiểm soát được thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được xử lý kịp thời”.

Tại Ðiện Biên, hiện mới chỉ có 2 phòng khám quản lý điều trị bệnh hen phế quản hoạt động tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh với đầy đủ máy móc cần thiết và nhân lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu công việc. Trung bình mỗi năm 2 đơn vị quản lý, điều trị cho trên 1.500 bệnh nhân. Công tác điều trị bệnh này trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngoài 2 phòng khám chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo mới được đầu tư, triển khai thì tuyến y tế các huyện, thị còn lại chưa có máy móc chẩn đoán bệnh; việc chuyển tuyến điều trị bệnh cũng còn nhiều bất cập. Và 1 trở ngại rất phổ biến đó là nhận thức chưa đầy đủ cùng với sự chủ quan của người dân. “Thực tế, các bệnh nhân tử vong đột ngột do cơn hen bộc phát được biết đến trên địa bàn trong năm 2017 đều thuộc trường hợp tự ý dùng thuốc nam, thuốc không phù hợp, coi thường các chất dị nguyên hoặc sử dụng thuốc lá, rượu, bia mặc dù đã được cảnh báo. Ngoài ra các bệnh nhân này đều không mang theo thuốc dự phòng bên người” - bác sĩ chuyên khoa II Ðỗ Quang Hải cho biết thêm.

Ðể tăng cường nhận thức cho người dân về bệnh hen phế quản, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, năm 2016, Ban Ðiều hành Dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tỉnh (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là cơ quan thường trực) đã tổ chức tư vấn, khám sàng lọc cho trên 3.000 người thuộc 6 xã, phường trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, qua đó phát hiện 1,3% số người tham gia mắc bệnh hen phế quản. Trong tháng 12/2017, Ban dự kiến tiếp tục triển khai khám sàng lọc cho người dân các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ, mỗi địa phương khoảng 2.500 người. Bằng những hoạt động này, hy vọng sẽ góp phần kiềm chế, ngăn chặn những rủi ro đáng tiếc từ bệnh hen phế quản.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top