Y tếSức khỏe

Phòng viêm da cơ địa mùa lạnh

09:50 - Thứ Hai, 18/12/2017 Lượt xem: 3442 In bài viết

1. Ðặc điểm

Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm hoặc Eczema. Ðây là một bệnh phát ban da không lây nhiễm phổ biến. Viêm da cơ địa bao gồm: loại dị ứng, loại tiết bã nhờn và loại do tiếp xúc. Viêm da cơ địa (chàm) có nhiều loại khác nhau tùy theo lứa tuổi, ở trẻ sơ sinh có chàm tiết bã, chàm dị ứng hoặc chàm quanh miêng. Ở trẻ em có chàm nhiễm trùng (viêm da nhiễm trùng), viêm da chân, viêm da dị ứng và người trưởng thành có thể bị bệnh viêm da thần kinh, viêm da dạng đĩa, viêm da khô gây ngứa nhiều (chàm Asteototic). Ngoài ra, còn có một số loại viêm da cơ địa khác như bệnh tổ đỉa, á sừng hoặc bệnh viêm da tróc vảy.

Viêm da cơ địa là một loại bệnh lý có tính chất di truyền, do đó có gần 80% số trẻ em bị viêm da dị ứng có yếu tố gia đình. Một đặc điểm khác của viêm da cơ địa rất dễ trở thành mạn tính và hay tái phát.

Cho dù nguyên nhân của viêm da cơ địa chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng các nhà khoa học cho rằng viêm da cơ địa là do sự phối hợp của yếu tố di truyền với các yếu tố môi trường, nhất là cơ địa dị ứng. Ðó là hiện tượng  xảy ra phản ứng giữa cơ thể với dị ứng nguyên khi chúng tiếp xúc với da. Các dị ứng nguyên đó có từ môi trường bên ngoài như: phấn hoa, bụi, mò, mạt, lông chó, mèo và một số thành phần có trong các sản phẩm chăm sóc da, nhưng khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, các yếu tố này có thể xâm nhập và gây bùng phát viêm da dị ứng. Hoặc do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, các hóa chất đều có thể là yếu tố thuận lợi cho viêm da cơ địa bùng phát, nhất là người có cơ địa dị ứng. Vì vậy, những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như: hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mề đay, hen suyễn… Người có cơ địa dị ứng dễ mắc bệnh viêm da cơ địa và có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa.

2. Biểu hiện

Bệnh viêm da cơ địạ thường xuất hiện vào khoảng thời gian 3 tháng tuổi, đôi khi sớm hơn và kéo dài từ vài tháng đến vài năm tùy theo cơ địa của từng trẻ em. Nếu không được điều trị, càng lớn bệnh càng dễ tái phát.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, ban đầu có thể chỉ là các đám khô da mất sắc tố hoặc cấp tính với triệu chứng rất nặng như: đỏ da toàn thân. Ðặc trưng bởi các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước, có vảy tiết, xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề. Người bệnh thường rất ngứa, cảm giác rát bỏng, nhất là về đêm, gây mất ngủ. Ở trẻ sơ sinh bị bệnh da cơ địa (chàm sơ sinh) thường xuất hiện ở mặt tạo thành hình cánh bướm. Ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành, bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp của các chi hoặc bàn tay (người lớn). Do ngứa nên người bệnh gãi nhiều có thể làm cho da bị trầy xước, nhiễm khuẩn gây mưng mủ, khi lành bệnh có thể để lại sẹo. Nếu không được chăm sóc và xử lý kịp thời sẽ làm cho bệnh càng trầm trọng, da ngứa khiến trẻ gãi nhiều và làm hàng rào bảo vệ suy yếu. Từ chỗ da bị xây xước, chảy máu các chất kích thích và dị ứng nguyên từ môi trường bên ngoài dễ dàng xâm nhập sâu vào da và lại càng khiến da ngứa hơn.

3. Ðiều trị

Khi bị viêm da cơ địa, nhất là mùa lạnh bệnh dễ xuất hiện và tái phát cần đi khám, tốt nhất là khám chuyên khoa da liễu nhằm xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh để xảy ra biến chứng. Ngoài điều trị chống viêm, chống ngứa có thể được dùng thuốc diệt vi khuẩn, vi nấm tại chỗ (nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm). Ðồng thời, vệ sinh da sạch sẽ, không nên dùng các loại mỹ phẩm, hạn chế tiếp xúc hóa chất, khói bụi; tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột; không nên ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc các loại thực phẩm lạ và nên sử dụng vitamin D theo đơn thuốc của bác sĩ...

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top