Y tếSức khỏe

Phòng chống tác hại của thuốc lá

Xì gà - một dạng thuốc lá gây nghiện

10:06 - Thứ Sáu, 22/12/2017 Lượt xem: 6393 In bài viết
ĐBP - Theo định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Tuy nhiên, với suy nghĩ hút xì gà ít độc hại hơn thuốc lá, cùng với việc coi hút xì gà là thể hiện đẳng cấp, nhiều người đã lầm tưởng về tác dụng của nó. Trên thực tế, cả hai loại đều làm từ thuốc lá nhưng quy cách khác nhau, cách hút cũng khác nhau.

Thuốc lá khác với xì gà ở kích thước và loại lá thuốc được sử dụng. Ngoài ra, khác với khói thuốc lá, khói thuốc xì gà thường không được hít vào. Thuốc lá có kích cỡ bằng nhau và chứa gần 1g (hỗn hợp) lá thuốc lá không qua lên men, được cuốn lại bằng giấy. Trong khi đó hầu hết các loại xì gà được sản xuất chủ yếu bằng một loại thuốc lá qua lên men và được quấn bằng lá thuốc lá, chứa từ 1 - 20g thuốc, (tùy loại). Hút xì gà cỡ lớn (5 - 20g) có thể mất từ 1 - 2 tiếng mới hết 1 điếu. Khói thuốc xì gà, giống như khói thuốc lá, chứa các hóa chất gây độc và gây ung thư có hại cho cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Khói thuốc xì gà có mức độ gây ung thư cao hơn do trong quá trình lên men để làm xì gà đã tạo ra nồng độ nitrosamine cao gây ra ung thư. Các hợp chất này được thải ra khi hút xì gà. Nitrosamine trong khói xì gà cao hơn trong khói thuốc lá. Mỗi gam thuốc lá trong xì gà khi hút vào thì có nhiều chất hắc ín gây ung thư hơn là trong thuốc lá. Bên cạnh đó, mức độ độc hại cao hơn do lá thuốc dùng để cuộn xì gà có độ xốp ít hơn giấy cuộn thuốc lá. Vì vậy, điếu xì gà thường không được đốt cháy hoàn hảo như thuốc lá. Hơn nữa, hầu hết các loại xì gà có kích cỡ lớn hơn, nhiều thuốc hơn thuốc lá, do vậy thời gian hút thuốc lâu hơn dẫn đến việc tiếp xúc với các chất độc hại hơn cũng dài hơn (bao gồm cacbon monoxit, hydrocarbon, amoniac, cadmium và các chất khác).

Hút xì gà gây ra ung thư vòm miệng, thanh quản, thực quản và phổi, có thể gây ra ung thư tủỵ. Hơn nữa, với những người hút xì gà hàng ngày, đặc biệt là những người khi hút thuốc thường hít khói vào sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh về phổi khác. Những người hút xì gà và hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh về khoang miệng và ung thư thực quản ngang nhau. Càng hút nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Mặc dù những người hút xì gà có tỷ lệ ung thư phổi, bệnh mạch vành và bệnh phổi thấp hơn so với những người hút thuốc lá, nhưng tỷ lệ mắc bệnh này vẫn cao hơn so với những người không hút xì gà. Tất cả những người hút thuốc lá và xì gà, dù có hít vào hay không, thì cũng đều trực tiếp sử dụng môi, miệng, lưỡi, cổ họng và thanh quản để hút thuốc, tiếp cận với các chất độc hại và các chất gây ung thư. Ngoài ra, khi nước bọt chứa các hóa chất trong khói thuốc bị nuốt vào thì thực quản sẽ là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với chất gây ung thư. Những phơi nhiễm này có thể giải thích cho những nguy cơ ung thư miệng và thực quản thường gặp ở những người hút xì gà và người hút thuốc lá.

Thủ phạm gây nghiện là nicotine. Ngay cả khi không hít khói thuốc vào thì nó vẫn có thể đi vào cơ thể trực tiếp từ phổi hoặc hấp thụ qua niêm mạc miệng. Một điếu xì gà có thể cung cấp một lượng nicotine bằng 1 hộp thuốc lá và gây nghiện cho người hút.

Hoàng Lâm (b/s)
Bình luận
Back To Top