Y tếSức khỏe

Huyện Mường Nhé

Phòng, chống bệnh cúm cho trẻ trong mùa rét

09:19 - Thứ Hai, 29/01/2018 Lượt xem: 4769 In bài viết
ĐBP - Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, từ tháng 10 đến hết tháng 12/2017, trên địa bàn huyện có hơn 400 trường hợp mắc bệnh cúm. Trong đó, nhiều trường hợp mắc bệnh là trẻ em, tập trung ở một số xã, như: Quảng Lâm, Nậm Vì, Chung Chải… Mặc dù, các trường hợp mắc bệnh đều được tư vấn, điều trị kịp thời, không có trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong, song trước mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của bệnh, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.

 

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm, khám cho bệnh nhi.

Bác sĩ Lò Văn Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, cho biết: Mùa lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm phát triển và gây bệnh. Dịch cúm thường bùng nổ trong phạm vi nhỏ nhưng nếu gặp điều kiện môi trường và thời tiết thuận lợi thì có thể lây lan nhanh chóng. Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh cúm, tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ bị mắc cúm nhiều hơn do sức đề kháng kém. Bệnh có các biểu hiện ban đầu giống bệnh cảm lạnh nên thường khiến các bậc cha mẹ chủ quan, lơ là, tuy nhiên bệnh này có thể dẫn đến viêm phổi và các biến chứng khác đe dọa đến tính mạng của trẻ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Do đó, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để lây lan; tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, tránh trường hợp trẻ bị biến chứng nặng. Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám chữa bệnh; cử cán bộ y tế xã và y tế thôn, bản thường xuyên đến các hộ để tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh cúm cho trẻ; tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh của huyện, xã; lồng ghép vào các buổi họp dân, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Cũng theo bác sĩ Dũng, khi trẻ mắc bệnh cúm thường có các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, đau họng, ho khan, cơ thể mệt mỏi và đau nhức… Khi đó, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, chú ý hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt đo được từ 380C bằng thuốc hạ sốt an toàn paracetamol đơn chất kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết. Cho trẻ uống thêm nhiều nước, nhất là những loại nước giàu vitamin C, như: nước cam tươi, nước chanh, nước táo để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như: cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng… Ðưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy bệnh trầm trọng hơn, trẻ bỏ ăn, bỏ uống, quấy khóc nhiều, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực. Ðể chủ động phòng chống bệnh cúm cho trẻ, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cũng khuyến cáo người dân cách phòng ngừa tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cúm. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp; mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người; giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt…

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top