Y tếSức khỏe

Phòng chống tật khúc xạ học đường

10:08 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 6018 In bài viết
ĐBP - Theo thông tin của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, thống kê thuộc đề tài nghiên cứu “Thực trạng mắc tật khúc xạ của học sinh Trường THCS Mường Thanh và Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ năm 2013” cho thấy tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ tại 2 trường trên là 34,6%. 

Trong số bị tật khúc xạ thì số học sinh chưa được điều trị chiếm tỷ lệ khá cao với 33,3%; học sinh bị tật khúc xạ ở mức độ nặng chiếm 42,7%. Tật khúc xạ học đường chủ yếu là cận thị chiếm khoảng 80% và là cận thị mắc phải chứ không phải do bẩm sinh. Tật khúc xạ học đường thường mắc ở tuổi đang đi học do quá trình học tập, vui chơi giải trí thiếu khoa học, chế độ dinh dưỡng, ánh sáng phòng học không đủ, bàn ghế không đúng khoảng cách quy định... Biểu hiện của tật khúc xạ là nhìn mờ, cận thị thì giảm thị lực khi nhìn xa, viễn thị và loạn thị thì nhìn xa và gần đều mờ. Ngoài ra, tật khúc xạ còn có các triệu chứng khác, như: mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, viết chữ không thẳng hàng, kết quả học tập giảm sút. Ðây là nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày của các em. 

 

Y, bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội khám tật khúc xạ học đường cho học sinh Trường THCS Mường Phăng (huyện Ðiện Biên).

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, để phòng chống tật khúc xạ học đường các trường học cần tích cực cho học sinh tham gia các hoạt động ngoài trời. Lớp học, góc học tập phải đủ những điều kiện cần thiết, kích thước phòng học, cách sắp xếp bàn ghế, bảng viết phải phù hợp với lứa tuổi để học sinh có thể ngồi đúng tư thế và giữ được khoảng cách từ mắt đến sách vở. Ðồng thời, hướng cho học sinh ngồi học đúng tư thế, không làm việc hoặc đọc sách quá gần với mắt trong thời gian quá lâu, quá nhiều ngày. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25cm đối với học sinh tiểu học, 30cm với học sinh THCS, 35cm với học sinh THPT và người lớn. Sau 45 - 60 phút làm việc bên máy tính hoặc đọc sách cần nghỉ 5 - 10 phút. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho các em, đặc biệt các vitamin A, B, C... Ðịnh kỳ cho các em kiểm tra mắt, chú ý các em có yếu tố cận thị gia đình hoặc có các biểu hiện, nháy mắt, nhìn mờ…

Bên cạnh đó, ngành Y tế, Giáo dục phối hợp thường xuyên và chặt chẽ để quản lý tật khúc xạ học đường một cách có hiệu quả. Theo đó, ngành Giáo dục và Ðào tạo cần chỉ đạo các trường học khám sàng lọc tật khúc xạ học đường ít nhất 2 lần/năm; khi phát hiện học sinh mắc, phải đến các cơ sở có chuyên khoa mắt để khám và được tư vấn kịp thời. Về phía nhà trường, cần thường xuyên truyền thông lồng ghép các nguyên nhân và biện pháp phòng tránh tật khúc xạ, thông báo đến phụ huynh khi phát hiện con em bị tật khúc xạ. Các trường học cũng cần cải thiện điều kiện vệ sinh chiếu sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi của từng cấp học; giáo viên lên lớp cần chú ý quan sát, điều chỉnh tư thế ngồi hợp lý, khoa học cho học sinh. Nên có kế hoạch hàng năm phối hợp với ngành Y tế tập huấn nâng cao nhận thức cho y tế trường học để cập nhật kiến thức mới nhất về tật khúc xạ học đường. Cùng với đó, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội sẽ phát sổ theo dõi tật khúc xạ miễn phí khi nhà trường giới thiệu học sinh đến khám tại Trung tâm hoặc có đoàn khám sàng lọc tật khúc xạ tới các trường cho học sinh từ 6 - 18 tuổi của các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Học sinh có sổ được khám định kỳ 6 tháng/lần tật khúc xạ - cận thị, loạn thị, viễn thị miễn phí tại Trung tâm và hỗ trợ kinh phí mua kính ngay tại phòng khám. Ðồng thời, Trung tâm cử cán bộ có chuyên môn về nhãn khoa tập huấn nâng cao trình độ cho nhân viên y tế học đường khi ngành Giáo dục và Ðào tạo đề xuất.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top