Y tếSức khỏe

Phòng, chống ngộ độc rượu dịp tết

09:28 - Thứ Hai, 12/02/2018 Lượt xem: 6172 In bài viết
ĐBP - Uống rượu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Ở địa bàn vùng cao như tỉnh ta, việc chúc tụng nhau bằng rượu lại càng phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu, đặc biệt rượu không rõ nguồn gốc hoặc lạm dụng rượu có thể gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động phòng, chống ngộ độc rượu nói chung và ngộ độc rượu trong dịp tết, mùa lễ hội xuân Mậu Tuất đang tới nói riêng.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu là do người uống lạm dụng rượu, vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Và hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol. Methanol được coi như là một chất dung môi công nghiệp (cồn công nghiệp), không màu, không mùi, có vị tương đối ngọt hơn so với rượu thường (ethanol) nhưng lại là loại hóa chất độc hại có thể gây hôn mê, mù mắt, di chứng thần kinh, thậm chí là tử vong. Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Rượu chứa methanol khi ngấm vào cơ thể sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh. Sau đó người bệnh cảm thấy nhìn mờ, nhìn thấy hai hình hoặc có rối loạn cảm nhận về màu sắc… Biểu hiện nghiêm trọng xuất hiện sau đó là tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và ngưng tim, dẫn đến tử vong.

Ðối với tỉnh ta, việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng rượu được các cơ quan chuyên môn xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục trong cả năm. Việc tập huấn, tuyên truyền sâu rộng từ cấp tỉnh đến huyện, xã về nâng cao ý thức sử dụng, lựa chọn và phòng, chống ngộ độc rượu cũng được tích cực thực hiện. Nhờ vậy từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn không xảy ra ca ngộ độc rượu nghiêm trọng nào. Các hoạt động này càng được quan tâm chú trọng hơn cả sau vụ việc ngộ độc rượu tập thể khiến nhiều người tử vong tại Lai Châu vào đầu năm 2017. Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Năm 2017, Chi cục đã tổ chức kiểm tra (test) nhanh hơn 1.000 mẫu rượu đang lưu hành (chủ yếu tại các cửa hàng, cơ sở ăn uống) trên địa bàn nhưng không phát hiện trường hợp nào vượt ngưỡng methanol cho phép. Ngoài ra, hàng trăm cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm từ tuyến tỉnh, huyện, xuống các xã của 10 huyện, thị, thành phố được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống ngộ độc rượu và tham gia phổ biến tích cực nội dung này tại địa bàn mình làm việc, sinh sống”. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã và đang tổ chức tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó lồng ghép kiểm tra nhanh lượng methanol trong các sản phẩm rượu, kiểm soát mối nguy về ngộ độc rượu.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động và tích cực trong quản lý, kiểm soát chất lượng rượu nhưng để phòng, chống ngộ độc thì quan trọng vẫn là ở ý thức người dân. Bà Nguyễn Thúy Hồng khuyến cáo: Ðể niềm vui tết, đón xuân được trọn vẹn, người dân không nên uống nhiều rượu, đặc biệt là vượt ngưỡng chịu đựng của bản thân; tránh sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường, rượu ngâm với lá, rễ cây, động vật không rõ độc tính; không uống rượu có hiện tượng dùng cồn công nghiệp methanol để pha chế (methanol trên 0,1%). Khi người uống rượu có các biểu hiện về thần kinh như: đau đầu, chóng mặt, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, điều trị kịp thời.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top