Y tếSức khỏe

Sức khỏe tâm thần của giới trẻ:

Chưa được quan tâm đúng mức

10:06 - Thứ Năm, 22/02/2018 Lượt xem: 5190 In bài viết
Sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh niên quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, tiếc rằng, vấn đề này chưa được mỗi cá nhân, gia đình và xã hội nhận diện một cách đầy đủ.

Nhiều nguyên nhân 

Trong cuộc sống thường nhật, phần lớn ông, bà, bố, mẹ rất quan tâm đến sức khỏe thể chất (thể lực, thể hình) của con, cháu. Với sức khỏe tâm thần (suy nghĩ, trí tuệ, nghị lực…), các gia đình cũng quan tâm nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện và thường xuyên. 

 

“Khi con cái mong muốn được trò chuyện, chia sẻ, vui chơi cùng bố, mẹ, nhiều người đưa cho con điện thoại, máy tính bảng để rảnh tay làm việc. Hành động này vô tình khiến những đứa trẻ thu mình lại, tìm đến thế giới ảo ngay trong chính ngôi nhà của mình”, Trịnh Quốc Trung, sinh viên Trường Đại học Việt - Pháp nhận xét.

Nhiều học sinh, sinh viên cũng chia sẻ với nhóm nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về sức khỏe tâm thần của giới trẻ Việt Nam, rằng các em cảm thấy bị cô lập bởi các thiết bị điện tử, mất phương hướng trong môi trường mạng, thiếu tự tin trong giao tiếp… 

Theo nghiên cứu của UNICEF, việc sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều là một trong những nguyên nhân cơ bản gây rối nhiễu tâm trí ở thanh, thiếu niên Việt Nam. Ngoài mạng xã hội, áp lực, sự căng thẳng về công việc, học hành, cuộc sống, thất bại trong tình cảm, lạm dụng các chất gây nghiện… cũng là nguyên nhân khiến 8-29% số người từ 11 đến 24 tuổi gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có biểu hiện lo âu, trầm cảm, cô đơn hay tăng động, giảm chú ý… Đó chưa phải là bệnh tâm thần nhưng người có biểu hiện này có nguy cơ bị bệnh tâm thần cao hơn, dễ tự tử hơn những người có sức khỏe tâm thần ổn định. Đáng lo hơn, tỷ lệ trẻ em và thanh niên Việt Nam gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần tuy thấp hơn nhiều nước trên thế giới nhưng đang có xu hướng gia tăng. 

"Nếu không được điều trị kịp thời, những vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em, gia đình và toàn xã hội", ông Friday Nwaigwe, đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh.

Mở rộng dịch vụ tư vấn tâm lý

Theo đánh giá của UNICEF, giới trẻ tại Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân viên tư vấn, tham vấn tâm lý xã hội. Các loại dịch vụ hiện có mới được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện tâm thần, phòng tư vấn tâm lý trong trường học với độ bao phủ rất thấp. Số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi quá mỏng, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng lớn của người dân.

Nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em, thanh niên Việt Nam, bà Fiona Samuels, Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (ODI) khuyến nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần xây dựng và từng bước hoàn thiện khung pháp lý về chăm sóc sức khỏe tâm thần; ý thức rõ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần có vai trò quan trọng không kém so với chăm sóc sức khỏe thể chất. 

Ngoài ra, các ngành, địa phương cần tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ tham vấn tâm lý; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển, mở rộng đội ngũ bác sĩ tâm thần nhi, bác sĩ tâm lý và nhân viên tư vấn… 

Còn bà Phan Thị Lê Mai, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thì cho rằng, người lớn nên dành thời gian lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của con, cháu với thái độ tôn trọng, tránh áp đặt. Các nhà trường nên chủ động trang bị cho học sinh kỹ năng ứng xử, xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh… “Giải pháp phòng ngừa, điều trị cho trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần phải được tiến hành đồng bộ, trong đó, giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất”, bà Phan Thị Lê Mai khẳng định.

Về vấn đề nói trên, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra giải pháp đồng bộ, toàn diện trong tương lai gần.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top