Y tếSức khỏe

Phát hiện sớm ung thư gan với hiệu quả hơn 90%

10:36 - Thứ Ba, 03/04/2018 Lượt xem: 5134 In bài viết
Chỉ với một lần lấy máu làm xét nghiệm, bằng bộ ba xét nghiệm AFP, AFP-L3 và DCP (còn gọi là PIVKA-II) có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư gan khi khối u nhỏ hơn 2cm, với hiệu quả cao hơn 90%, từ đó nâng cơ hội sống sót trong vòng năm năm của bệnh nhân từ dưới 10% lên 70%.

Người bị bệnh gan thường có biểu hiện không rõ ràng như sốt nhẹ, chán ăn, cơ thể mệt mỏi…, khiến người bệnh dễ bỏ qua. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sốt cao, sụt cân không rõ nguyên nhân,… đi khám bệnh đã tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

 

Bệnh nhân L.Q.T. (53 tuổi, Bắc Ninh) đến Bệnh viện đa khoa Medaltec khám là một ca bệnh điển hình cho người bị gan không có triệu chứng rõ ràng. Trong khoảng 10 ngày thấy ăn uống kém, đau bụng âm ỉ, kèm cảm giác đầy chướng bụng, khó tiêu nên đi khám. Kết quả cho thấy, bệnh nhân mắc viêm gan B (HBsAg dương tính), men gan tăng và đặc biệt AFP là 66875 lg/mL, tăng rất cao (bình thường: 0-20 lg/mL).

Sau khi làm các xét nghiệm siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan trên nền viêm gan B, nên có chỉ định nhập viện điều trị chuyên khoa.

Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện sớm ung thư gan, trong đó phổ biến là chỉ định làm xét nghiệm AFP và siêu âm. Tuy nhiên, mức độ AFP huyết thanh có tỷ lệ âm tính giả cao khi khối u còn nhỏ (giai đoạn sớm) và tỷ lệ dương tính giả cũng cao, vì mức độ AFP cũng có thể tăng ở bệnh nhân xơ gan, viêm gan mạn, có thai…

Vì thế, việc kết hợp dấu ấn AFP và hai dấu ấn khác là AFP-L3 và PIVKA-II (DCP) mang lại giá trị đặc biệt trong phát hiện sớm ung thư gan.

PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, bộ ba xét nghiệm AFP, AFP-L3 và DCP là những tiến bộ vượt bậc về lĩnh vực cận lâm sàng trong chẩn đoán sớm bệnh ung thư gan. Sự kết hợp các dấu ấn khối u này có khả năng phát hiện sớm 81,8% ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), 86,7% khối u có kích thước nhỏ (<2cm) và 91,7% một khối u đơn lẻ của ung thư gan khi AFP thấp < 20 ng/mL. Kết quả xét nghiệm bộ ba này có độ nhạy 83% và độ đặc hiệu hơn 90%, trong khi các xét nghiệm riêng lẻ chỉ cho độ nhạy khoảng 60%.

“Bộ xét nghiệm còn đặc biệt ý nghĩa với các trường hợp chưa có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, kết hợp với kết quả siêu âm có khối bất thường nhưng chưa khẳng định ung thư, hay các trường hợp có kết quả xét nghiệm tăng cao, nhưng khó lấy mẫu làm xét nghiệm sinh thiết. Và rất có ý nghĩa định hướng bác sĩ lâm sàng theo dõi, điều trị và đánh giá kết quả điều trị cho bệnh nhân. Cung cấp thêm thông tin chẩn đoán nếu các phương pháp chẩn đoán khác còn nghi ngờ“ – bác sĩ Ngọc nói.

Việc kết hợp bộ ba xét nghiệm AFP, AFP-L3 và DCP có ý nghĩa quan trọng phát hiện sớm ung thư biểu mô tế bào gan ngay cả khi bệnh nhân có mức độ AFP tăng hoặc không tăng. Ngoài ra, còn có ý nghĩa khác như chẩn đoán phân biệt giữa HCC và viêm gan, đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi tái phát ung thư biểu mô tế bào gan sau điều trị, đánh giá tiên lượng ung thư gan…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top