Y tếSức khỏe

Ðề phòng các bệnh truyền nhiễm

09:18 - Thứ Hai, 21/05/2018 Lượt xem: 6449 In bài viết
ĐBP - Thời tiết mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh truyền nhiễm, như: sởi, cúm, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị... có nguy cơ bùng phát cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 532 ca mắc thủy đậu, xuất hiện tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Tập trung ở các huyện: Tủa Chùa (90 ca); Nậm Pồ (76 ca); Ðiện Biên (74 ca); Tuần Giáo (63 ca); Ðiện Biên Ðông (43 ca)... Riêng TP. Ðiện Biên Phủ có số ca mắc nhiều nhất, tính đến ngày 17/5 đã ghi nhận 119 ca mắc; trong đó xuất hiện 1 ổ dịch (31 ca mắc tại Trường Mầm non Sơn Ca).

 

Bệnh nhi điều trị bệnh thủy đậu tại Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

Chị Lò Thị Thu, xã Thanh Minh có con đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Mấy hôm trước đón cháu đi học về thấy cháu kêu mệt, nhức đầu. Tôi nghĩ, trời nắng nóng cháu đi học chạy nhảy, chơi đùa cùng các bạn nhiều nên kêu vậy thôi chứ sẽ không sao. Ai ngờ đến tối, thấy cháu có biểu hiện sốt nhẹ, tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng đến sáng hôm sau không đỡ mà còn có biểu hiện chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các mụn nước ở vùng đầu, mặt và toàn thân. Gia đình liền đưa cháu đến đây thăm khám. Bác sĩ kết luận cháu bị thủy đậu, tạm thời phải nghỉ học để điều trị, tránh lây sang các bạn trong lớp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter. Vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu, khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Dù là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng dễ gây nhiễm trùng da, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây xảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Cùng với bệnh thủy đậu, quai bị cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát cao vào dịp hè. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh đã ghi nhận 290 ca mắc quai bị. Trong đó xuất hiện 1 ổ dịch ở Trường Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) với 200 ca mắc; dịch bệnh này đã được khống chế và kết thúc vào 15/5. Ngoài ra, tại một số huyện, như: Tủa Chùa, Ðiện Biên, TX. Mường Lay cũng xuất hiện nhiều ca mắc bệnh này.

Theo nhận định của Bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: 2 ổ dịch (bệnh thủy đậu, bệnh quai bị) đã xuất hiện từ đầu năm đến nay, song đã được khống chế và kết thúc, không xảy ra trường hợp tử vong. Hiện chỉ còn những ca mắc rải rác trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố. Thời tiết mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Ðối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người có sức đề kháng kém (người già, trẻ nhỏ). Ðể phòng bệnh, các địa phương và người dân cần triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, như: diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn, khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng; đặc biệt lưu ý các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và những nơi công cộng tập trung đông người. Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Với những bệnh đã có vắc xin phòng, người dân cần tiêm phòng đầy đủ. Khi mắc bệnh phải cách ly để phòng lây cho người khác. Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ chỉ định để điều trị và thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top