Y tếSức khỏe

Cảnh giác với bệnh tay - chân - miệng

09:19 - Thứ Hai, 21/05/2018 Lượt xem: 5164 In bài viết
ĐBP - Xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bước vào mùa hè như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh tay chân miệng (TCM) phát triển và lây lan. TCM là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 36 ca mắc bệnh TCM tại các địa phương trong toàn tỉnh, tăng khá nhiều so với năm 2017 (cả năm 2017 chỉ có 14 ca mắc bệnh này). Bé Trần Khoa Thanh (19 tháng tuổi), phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) mấy ngày nay sốt cao, ho, ăn kém, quấy khóc. Khi cho bé uống thuốc hạ sốt không đỡ mà lại xuất hiện nhiều nốt mụn đỏ như phát ban mọc chi chít khắp tay, chân và xung quanh miệng; gia đình mới đưa bé đến phòng khám tư nhân thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh TCM. Chị Nguyễn Thị Xuyến - mẹ bé Thanh cho biết: Trước khi cho đi khám, bé sốt rất cao, lên tới 39 - 39,5oC. Do chủ quan, nghĩ đó là bệnh viêm họng bình thường nên tôi tự mua thuốc về cho con uống, chứ không nghĩ đến bệnh TCM. Ðưa đến cơ sở y tế, được bác sĩ kê đơn thuốc, hướng dẫn chăm sóc, vệ sinh cá nhân; đến nay các bọng nước ở tay, chân, miệng đã bắt đầu khô, bé ăn uống trở lại.

Còn bé Phạm Gia Kiên (25 tháng tuổi), phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) sau 1 tuần điều trị bệnh TCM đến nay một số bọng nước trên tay, chân, xung quanh miệng, mông đã khô, nhưng vẫn bôi thuốc xanhmetthylen, uống thuốc ziptum; thymo - forkid theo đơn của bác sĩ. Lo rằng bé lây bệnh cho các bạn ở lớp nên gia đình vẫn chưa cho bé đi học trở lại.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng) cho biết: TCM là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan khá cao. Bệnh lây từ người này sang người khác qua nhiều con đường khác nhau, như: Tiêu hóa hoặc do tiếp xúc nói chuyện, dịch tiết ra từ mũi họng hay các mụn nước vỡ ra từ người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi do có sức đề kháng kém. Biểu hiện thường thấy của bệnh là sốt, đau họng, lở loét niêm mạc lưỡi, lợi; xuất hiện mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông… Hầu hết những ca bệnh chân tay miệng đều diễn biến nhẹ, có thể kiểm soát. Một số trường hợp nguy hiểm có thể gây biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm phổi rất nguy hiểm và nếu không được cứu chữa kịp thời người bệnh có thể tử vong.

Theo Bác sĩ Tú, trẻ mắc bệnh TCM thường rất biếng ăn, do các vết loét bên trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Ngoài ra, bé còn sốt cao, khó chịu, quấy khóc. Vì vậy, cần cho trẻ ăn những món kích thích ngon miệng, chứa nhiều vitamin, các loại rau có tính mát. Thức ăn nên xay thật nhỏ, mềm và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu, tăng sức đề kháng. Hiện nay, do chưa có vắc xin phòng bệnh TCM; vì thế biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh là giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Cơ quan y tế khuyến cáo, thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn chín, uống sôi; không mớm thức ăn, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống; đồ chơi của trẻ phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để có biện pháp tư vấn điều trị, chăm sóc.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top