Y tếSức khỏe

Dấu hiệu nhận biết thực phẩm ngâm hóa chất

14:40 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 6359 In bài viết
Thực trạng nhiều loại thực phẩm bị ngâm, tẩm các loại hóa chất như chì, hàn the, asen, lưu huỳnh... đang trở thành mối lo ngại đối với người tiêu dùng. Điều đáng nói, những hóa chất này ngày càng bị lạm dụng trong việc chế biến thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người. Vậy, dấu hiệu nào để nhận biết thực phẩm bị tẩm hóa chất và cách nào để lựa chọn thực phẩm an toàn?

Vừa ăn, vừa lo... 

Mới đây, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở nghi tẩy trắng hải sản không rõ nguồn gốc bằng hóa chất trên địa bàn quận Ba Đình. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang sơ chế khoảng 330kg bạch tuộc không rõ nguồn gốc và có hành vi ngâm bạch tuộc vào các thùng chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng để tẩy trắng, khử mùi hôi. Kết quả kiểm nghiệm mẫu dung dịch màu nâu phát hiện, có chứa tới 1.046mg hydro peroxid; 665mg natri hydrosulfit; 0,385mg asen. Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg thịt bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hóa chất công nghiệp: Hydro peroxid, natri hydrosulfit. 

 

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn, vệ sinh thực phẩm của Hà Nội kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại một quán ăn.

Trước đó, lực lượng chức năng trên cả nước cũng đã phát hiện và đưa ra ánh sáng các vụ việc như thịt lợn “ướp” hàn the, rau phun thuốc kích thích, măng tẩm lưu huỳnh… Hiện tượng thực phẩm tẩm hóa chất lan tràn trên thị trường, khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an.

Bác Đặng Thị Thìn (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, thấy báo chí, truyền hình đưa tin về những vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm “bẩn”, làm cho người dân đi chợ chẳng biết mua gì, vì ăn gì cũng sợ độc hại. Với những gia đình có điều kiện kinh tế đã chuyển sang mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Số còn lại vẫn buộc phải mua thực phẩm tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm nhưng vừa ăn… vừa lo. Bản thân tôi nhiều hôm đi chợ với tâm thế đề phòng và luôn miệng hỏi người bán “cái này có sạch không?”...

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Viện Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tình trạng lạm dụng một số hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm để làm cho sản phẩm tươi, ngon, trắng, có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn hơn đã gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử như các loại bánh tráng, bánh phở, bún, giò chả..., nếu chỉ làm nguyên chất thì thành phẩm sẽ có màu không đẹp, khi ăn không được giòn và nhanh bị mốc, ôi thiu... 

Để khắc phục các nhược điểm này, người sản xuất đã cho thêm một hóa chất mà người dân thường gọi là hàn the. Thực chất đây chính là borax - tên thương mại của hóa chất sodium tetra borate decahydrate. Tùy theo liều lượng của borax xâm nhập vào người, phản ứng cấp tính của cơ thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng: Nhức đầu, cơ thể bải hoải, mạch tim đập nhanh, áp suất máu giảm và có thể bị co giật. Nếu tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị trầm cảm và đối với phụ nữ có thể bị hiếm muộn, vì hóa chất này sẽ làm giảm thiểu kỳ rụng trứng.

Đối với phẩm màu sử dụng trong thực phẩm, theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, có hai loại màu là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên dùng an toàn, nhưng màu không bền và đẹp mắt. Còn màu tổng hợp thường tan trong nước và ổn định, màu rất bền. Các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp này, nhưng nếu vượt ngưỡng cho phép lại gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, các màu tổng hợp được dùng để nhuộm đỏ (sudan hay rhodamine) cũng là một trong những hóa chất có nguy cơ gây ung thư…

Nhận diện thực phẩm ngâm hóa chất

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng có thể bằng cảm quan để phân biệt mực tươi ngon và mực đã qua ngâm rửa hóa chất. Các loại mực được tẩy rửa hóa chất thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Đối với mực ống, người tiêu dùng nên chọn con to, thịt hơi hồng, đầu dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Mực còn tươi sẽ có tính đàn hồi cao, khi xào nấu có hương thơm tự nhiên. Đối với tôm khô tự nhiên, màu thường kém bắt mắt, có màu hồng ở phần đuôi tôm, phần bụng hơi trắng ngà. Tôm tẩm hóa chất có thể là màu cam hoặc đỏ cam đều khắp thân tôm, ngâm nước lạnh hoặc nước nóng một lúc sẽ phai màu.

Với các thực phẩm có nguy cơ lạm dụng hàn the, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có thể phân biệt qua mùi vị và màu sắc. Đối với thịt lợn, miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, thớ thịt săn nhưng khô. Khi cắt vào bên trong thịt nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi ăn sẽ thấy miếng thịt bở và có mùi hôi. 

Ngược lại, thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Khi luộc thịt, nước trong, mùi thơm, ăn dai thịt. Còn với giò lụa, khi mua cần để ý màu sắc và mùi vị của giò. Giò ngon khi cắt ra có màu hồng nhạt, bề mặt giò có nhiều lỗ li ti, sờ vào cảm giác mịn và hơi ướt, khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, không quá giòn, không bị bở. Đối với chả đã bị tẩm hàn the ăn sẽ không có vị béo ngậy đặc trưng của thịt mà lại giòn, dai bất thường…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để tránh sử dụng các loại thực phẩm bị tẩm hóa chất, người tiêu dùng nên lựa chọn mua thực phẩm ở các cơ sở sản xuất uy tín, có chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm, không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và có các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top