Y tếSức khỏe

Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

09:56 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 6492 In bài viết
ĐBP - Hiện đang là mùa mưa lũ, lượng mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương. Nguồn nước nhiễm bẩn, môi trường sống bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có thể phát sinh, phát triển, như: Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn); các bệnh về da (nước ăn chân, viêm da, ghẻ); sốt xuất huyết, đau mắt đỏ...

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; đảm bảo các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, Ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường trước, trong và sau lụt, bão; phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trên địa bàn sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai. Tập trung chỉ đạo mạng lưới y tế tuyến huyện, xã chủ động các biện pháp phòng chống một số dịch, bệnh thường gặp mùa mưa, như: tiêu chảy, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm da... Vào thời điểm sau mưa lũ, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn; kết hợp tăng cường tuyên truyền cho người dân ăn chín, uống sôi để phòng ngộ độc thực phẩm...

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Ðể phòng bệnh mùa mưa lũ, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ. Theo đó, trước khi xảy ra mưa lũ, các trung tâm y tế huyện tích cực tuyên truyền hướng dẫn tại các vùng nguy cơ xảy ra lũ lụt cao, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống... Hiện, Trung tâm đã cấp trên 2 tạ Cloramin B cho các trung tâm y tế huyện, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cách pha dung dịch Cloramin B đúng nồng độ theo quy định để xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vô khuẩn.

Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau: Khi phải dùng nước suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn thì cần làm sạch nước với phèn chua. Sau lũ lụt cần khẩn trương dọn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà cửa; rửa sạch bể nước, các dụng cụ đựng nước, dụng cụ chế biến thức ăn; khơi thông cống rãnh, không để nước đọng; thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ và phun thuốc phòng dịch bệnh... Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để đun nước uống và chế biến thức ăn; thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nước, mọc mầm, bị chua, mốc để phòng tránh ngộ độc thực phẩm...

Với tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, Trung tâm Y tế dự phòng đã tích cực cùng với các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường theo dõi, kiểm soát, xử lý kịp thời các dịch bệnh nhờ đó đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chưa có các dịch bệnh: thương hàn, lỵ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm da... bùng phát.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top