Y tếSức khỏe

Thực phẩm online - lợi ít, hại nhiều

15:42 - Thứ Ba, 30/10/2018 Lượt xem: 6305 In bài viết

Lo ngại trước tình trạng nguồn thực phẩm từ các chợ không bảo đảm an toàn nên nhiều người đã tìm mua trên mạng xã hội (online). Tuy nhiên, việc mua bán thực phẩm online đến nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, hầu hết là tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Lợi ít, hại nhiều là vậy, nhưng loại hình kinh doanh này đang ngày càng "bung nở"...

 

Hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội ngày càng phát triển.

Thế giới ẩm thực online

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm mua các mặt hàng như rau, củ, quả tươi, đồ khô, thịt, thủy hải sản… trên hệ thống online. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, nhiều trang mạng xã hội đã đưa ra những hình ảnh quảng cáo bắt mắt, thông tin hấp dẫn, kèm theo đó là những cam kết chắc nịch về độ sạch của sản phẩm như: “Cây nhà lá vườn”, “tự làm”; “Nông sản nhà trồng, không thuốc kích thích, không thuốc bảo vệ thực vật”…

Chị Đỗ Hiền Trang (đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy) cho biết, lo lắng trước những thông tin về thực phẩm nhiễm độc, thuốc trừ sâu, chất bảo quản… chị đã tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội chia sẻ và rao bán những loại thực phẩm, đồ ăn có nguồn gốc sạch từ mọi vùng, miền trên cả nước. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng trở thành những “tín đồ” mua sắm thực phẩm trên mạng. Dù có rất nhiều người bán thực phẩm online nhưng chị chỉ mua của người quen và mua khi đã biết rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, mua hàng trên mạng tiết kiệm thời gian, công sức, đỡ phải đi lại…

Giống chị Trang, chị Phương Thu (phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) là “tín đồ” mua hàng online cho rằng, mua thực phẩm ở những cửa hàng online có uy tín, độ tin cậy cao, họ chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Hơn nữa, người bán giao hàng tận nhà, nên tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy giá hơi cao so với mua ngoài chợ nhưng thuận tiện và bảo đảm…

Cần thận trọng 

Phải thừa nhận rằng mua thực phẩm trên mạng cũng có những ưu điểm như không mất nhiều thời gian, không mất công chế biến, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là được phục vụ tận nơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo.

 

Nguồn thực phẩm từ các chợ chưa bảo đảm an toàn nên nhiều người đã tìm mua trên mạng xã hội.

Chị Huyền Sâm ở khu chung cư Thăng Long (quận Nam Từ Liêm) kể, mới đây con gái chị đặt bánh bông lan trứng muối của một hiệu bánh được quảng cáo rầm rộ trên mạng và gia đình chị cũng là khách quen. Nhưng khi nhận hàng, chị phát hiện có giòi chui ra từ bánh. Chứng cớ rõ ràng, nhưng khi phản ánh tới chủ cửa hàng, chị Sâm lại không nhận được lời xin lỗi hay giải thích...

Trước thực trạng kinh doanh thực phẩm online “nở rộ” như hiện nay, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, nhiều mặt hàng thực phẩm được bán online là những sản phẩm được chế biến tại hộ gia đình và đây cũng có thể là nguồn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Bởi, thực phẩm phải được chế biến, bảo quản đúng quy định thì mới tránh được ngộ độc, nhưng nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng... Chưa kể, nguồn thực phẩm đầu vào nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt thì cũng khó có thể nói về chất lượng sản phẩm...

Ngoài ra, tình trạng người bán cũng chỉ là mắt xích trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối hay chợ Đồng Xuân, nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua... cũng đang diễn ra khá phổ biến. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh những tiện ích của việc mua bán thực phẩm online thì việc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm khá cao, nhất là hàng bán qua mạng... Vì hầu hết các cơ sở này đều tự phát, kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Khách hàng thường biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt và chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng... miệng. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, không chỉ mặt hàng thực phẩm, nhiều trang mạng xã hội còn rao bán cả những sản phẩm liên quan đến sức khỏe như mỹ phẩm, thuốc đông y, thực phẩm chức năng… Hầu hết loại hình kinh doanh này không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý nhà nước, nói cách khác là lưu hành bất hợp pháp. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua mà không cần tìm hiểu nguồn gốc. Đôi khi người tiêu dùng rất cả tin các quảng cáo, dễ dãi trong lựa chọn, mua bán, sử dụng thực phẩm.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top