Y tếSức khỏe

Bổ sung vitamin D đúng cách cho trẻ

16:30 - Thứ Năm, 21/03/2019 Lượt xem: 4834 In bài viết

Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta là 24,3%, tức là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Một trong những nguyên nhân là chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ không đáp ứng được nhu cầu canxi và vitamin D.

 

Trẻ phát triển khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của cha mẹ. (Ảnh minh họa: Internet)

Vitamin D rất cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi, giúp phát triển xương, tăng cường chức năng thần kinh, hệ miễn dịch. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến bệnh còi xương, làm cho xương phát triển không bình thường, suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ loãng xương và yếu cơ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại một buổi tư vấn “Bổ sung vitamin D đúng cách cho trẻ”, ở trẻ sơ sinh, vitamin D rất quan trọng, đặc biệt trẻ sinh non rất dễ thiếu vitamin D do thiếu hụt trong bụng mẹ và khi ra đời cũng bị thiếu nên cần bổ sung để phát triển. Trong 3 năm đầu, trẻ cần lượng vitamin D nhiều hơn. Trẻ thiếu vitamin D sẽ bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Trẻ còi xương thì cơ yếu, cơ hô hấp yếu nên gây thở kém. 


Còn TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D là trẻ sinh non, sinh đôi, nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhóm trẻ sống trong nhà thiếu ánh sáng, phụ nữ mang thai nuôi con bú, người cao tuổi.

Dấu hiệu để nhận biết trẻ thiếu vitamin D là: Trẻ bứt rứt ngủ kém, ra mồ hôi trộm, rụng tóc, chậm vận động, chậm mọc răng, có bất thường về xương, thóp sau chậm liền...

Tại phòng khám dinh dưỡng của Trung tâm, theo báo cáo đánh giá hằng năm, tỷ lệ còi xương vẫn cao, khoảng 40%. Nhiều bé bị còi xương từ trong bụng mẹ bởi thai phụ khi ra nắng bịt kín và bổ sung dưỡng chất nhưng lại không bổ sung vitamin D. Trẻ bị còi xương từ trong bào thai nên khi được sinh ra đã bị còi xương, có bé do còi xương nên sọ bị mềm. “Xương sọ trẻ mềm nên mới đặt bé nằm ít ngày đầu bé đã bị bẹp, gia đình không biết nên cứ trách nhau để bé nằm nhiều khiến đầu bé bẹp. Nhưng đó là do trẻ bị còi xương quá sớm”, TS.BS Phan Bích Nga nói về một trong những trường hợp bị còi xương.

Cũng qua khám, TS.BS Phan Bích Nga gặp có thanh thiếu niên mới 16, 17 tuổi đã bị loãng xương nặng, hay có trẻ được phụ huynh đưa đến khám sau khi đã bị còi xương một thời gian dài khiến bị biến dạng xương như: Lồng ngực gồ, chân vòng kiềng.

Về việc bổ sung vitamin D, theo các chuyên gia, trẻ có từng giai đoạn phát triển; trong đó giai đoạn 3 tuổi đầu đời và giai đoạn dậy thì trẻ phát triển nhanh nên rất cần bổ sung vitamin D.

Việc bổ sung vitamin D liều dự phòng cho trẻ dưới 1 tuổi là 400 UI/ngày, từ 1 tuổi trở lên là 600 UI và có thể áp dụng cho trẻ đến lớn đến lúc trưởng thành. Ở đối tượng đặc biệt là phụ nữ mang thai, người cao tuổi thì nên tăng liều lên mức khoảng 800 UI. 

Trước đây, có chế phẩm vitamin D 200.000 UI dùng một liều 6 tháng 1 lần nhưng việc bổ sung hằng ngày được cho là tốt hơn. Các chuyên gia khuyến cáo tránh sử dụng quá liều vitamin D bởi sẽ dẫn đến ngộ độc.

Để phòng thiếu vitamin D, theo các chuyên gia, cần có chế độ dinh dưỡng tốt với khẩu phần ăn giàu vitamin D. Vitamin D có nhiều trong cá hồi, trứng, nấm... Cùng với chế độ ăn, cần bổ sung vitamin D cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ. Bên cạnh đó, cho trẻ hoạt động ngoài trời cũng rất quan trọng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top