Y tếSức khỏe

Không quá hoang mang

16:32 - Thứ Năm, 21/03/2019 Lượt xem: 5046 In bài viết

Thông tin nhiều trẻ em ở Bắc Ninh bị nhiễm sán heo sau bữa ăn tại bếp ăn trường học khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc nhiễm sán heo không phải bệnh cấp tính, bởi vậy các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang.

 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), giun sán có rất nhiều trong môi trường sống như trong đất, trong phân, rau củ quả, thức ăn tái (thịt đỏ) chưa được làm sạch hay nấu chín, hoặc ấu trùng ký sinh trên chó, mèo.

Việc sán heo đi vào cơ thể người là khi chúng ta ăn đồ sống tái, ăn rau có chứa ký sinh trùng, tiếp xúc với chó, mèo, vệ sinh không sạch sẽ. Việc điều trị sán cũng rất dễ, hầu hết các loại sán hiện nay có thể điều trị bằng cách cho trẻ uống thuốc xổ giun là khỏi. Trừ một số trường hợp đặc biệt (rất hiếm gặp) sán mới có thể gây hại cho người bệnh.

“Các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa, như cho trẻ xổ giun định kỳ (3 - 6 tháng/lần); không nên cho trẻ ôm chó, mèo vì trong phân hoặc nước miếng vật nuôi có thể có ký sinh trùng, hoặc tránh để trẻ bò dưới đất; vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Đặc biệt phải tuân thủ ăn chín uống chín, sử dụng thực phẩm sạch sẽ, an toàn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán heo gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, như ăn thịt heo chưa nấu chín.

Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán heo. Thông thường, ấu trùng sán heo sẽ chết khi đun nấu ở nhiệt độ 75°C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán heo hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh (như đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài) và làm các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán heo được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán heo, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, chế biến thức ăn hợp vệ sinh; không sử dụng thịt heo bệnh để chế biến thực phẩm; quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây heo trưởng thành, không nuôi heo thả rông; người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top