Y tếSức khỏe

Khẩn cấp ngăn lạm dụng rượu bia

09:02 - Thứ Ba, 23/04/2019 Lượt xem: 5187 In bài viết

Mặc dù ngành y tế và các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều cảnh báo về những hậu quả khôn lường do rượu bia gây ra nhưng tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn đang gia tăng vô tội vạ tới mức báo động.

 

Nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để kiểm soát được rượu, bia.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu bia đứng thứ 3 châu Á và đứng thứ 64 thế giới năm 2016. Còn năm 2017, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam là hơn 4 tỷ lít, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới. Không chỉ vậy từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới. Đáng chú ý, trong số nam giới uống rượu, bia thì có 1/4 số người uống ở mức có hại và tuổi bắt đầu uống rượu, bia có xu hướng trẻ hóa.

Trước thực trạng người sử dụng rượu, bia tràn lan và không ngừng gia tăng, tại hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 22-4, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã bày tỏ sự quan ngại khi cho biết người trưởng thành Việt Nam tiêu thụ 8,3 lít cồn (470 chai bia)/năm 2016 trong khi đó việc tiêu dùng rượu bia ở Tây Thái Bình Dương chỉ là 1,3 lít/năm. “Nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại và đó là uống rượu, bia quá độ. Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm và hàng trăm ngàn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia...”, TS Kidong Park nói. 

Đại diện WHO ở Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. “Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, các tác hại của rượu, bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10gr cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống...”, TS Kidong Park nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lại đưa ra một thông tin rất nghịch lý khi cho biết hiện nay ở Việt Nam, sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Trung bình một năm Việt Nam sản xuất 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp vả khoảng 250 triệu thủ công. Tệ hơn, tình trạng lạm dụng rượu, bia ở mức báo động là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Mặc dù tình trạng lạm dụng rượu, bia ở nước ta đang gia tăng nhưng hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, đến nay Việt Nam mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg  ngày 12-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. “Đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao...”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Lợi nhuận kinh tế do việc tiêu thụ rượu, bia gia tăng là không hề nhỏ. Tuy nhiên lợi nhuận kinh tế từ rượu, bia lại rất nhỏ bé so với những tổn hại về sức khỏe con người và vô vàn hệ lụy nghiêm trọng cho cộng đồng xã hội do lạm dụng rượu, bia gây ra. Để ngăn chặn những hậu quả khôn lường do việc uống quá nhiều rượu, bia gây ra, đòi hỏi Nhà nước và các bộ, ngành chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để kiểm soát được rượu, bia. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là cần sớm ban hành được Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm góp phần cứu sống hàng ngàn sinh mạng mỗi năm, cũng như làm giảm đáng kể những thiệt hại do rượu bia gây ra.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top