Y tếSức khỏe

Viêm gan B - mối nguy thầm lặng!

15:37 - Thứ Năm, 16/05/2019 Lượt xem: 4782 In bài viết

Viêm gan B là bệnh lý khá nguy hiểm, có thể phát triển thành xơ gan, ung thư gan nếu không điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này thường diễn biến thầm lặng nên nhiều người nhiễm bệnh mà không biết và có thể vô tình lây sang người khác. Thế nhưng, vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn hiểu sai về con đường lây truyền của căn bệnh này.

 

Viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Bệnh lý phổ biến

Viêm gan B là bệnh lý về gan khá phổ biến do siêu vi viêm gan B (HBV) gây nên. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao (chiếm từ 15-20% dân số), tương đương khoảng 15-18 triệu người. Điều này đe dọa không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn.

Viêm gan B có 2 quá trình diễn biến là cấp tính và mạn tính. Bệnh viêm gan B cấp tính thường mắc phải sau 6 tháng kể từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể. Người lớn có sức đề kháng tốt bị nhiễm HBV có khả năng tự khỏi và tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, đa số các ca viêm gan B ở Việt Nam là viêm gan mạn tính. Bệnh thường do nhiễm HBV kéo dài cả đời, kèm theo các yếu tố tác động không tốt đến gan (rượu bia, thức ăn bẩn...) sẽ biểu hiện thành bệnh. Việc bị nhiễm viêm gan B mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi. Có khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV sẽ diễn biến mạn tính, ngược lại, tỷ lệ này với người lớn chỉ có 5%. Viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Điều đáng nói là 90% trường hợp mắc viêm gan B diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.

Những quan niệm sai lầm

GS.TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50-100 lần vi rút HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa. Bệnh càng dễ lây lan hơn khi nhiều bệnh nhân không biết mình bị nhiễm vi rút viêm gan B, thậm chí khiến việc can thiệp điều trị bị chậm trễ. Thế nhưng, do nhận thức của người dân về bệnh còn nhiều hạn chế nên tỷ lệ mắc mới căn bệnh này ở nước ta hiện vẫn ở mức cao, với trung bình 30.000 ca mắc mới mỗi năm. Thậm chí, theo GS.TS Nguyễn Văn Mùi, chính những quan niệm sai lầm cũng khiến cộng đồng cách ly với người bị bệnh.

Đơn cử như khi thấy những gia đình có nhiều thành viên bị bệnh, nhiều người nghĩ đây là bệnh di truyền. Trong khi đó, đây là bệnh truyền nhiễm chứ không phải bệnh di truyền. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nhiễm bệnh thì nguy cơ lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ sẽ cao. Có thể hạn chế tới 95% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách như tiêm vắc xin phòng bệnh. Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Mùi, viêm gan B có khả năng lây qua 3 con đường: Đường tình dục, từ mẹ sang con, đường máu khiến vi rút tấn công vào cơ thể người lành và gây bệnh, tuy nhiên bệnh không lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Không thể bị nhiễm viêm gan B trong không khí, khi ôm nhau, đụng chạm, hắt hơi, ho. Nhưng vì bệnh lây theo đường máu nên người trong gia đình không được dùng chung dao cạo râu và bàn chải đánh răng với người nhiễm vi rút viêm gan B.

Phòng ngừa bằng cách nào?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với bất kể hình thức quan hệ tình dục nào cũng có thể lây nhiễm viêm gan B. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn là cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả. Ngoài ra, cần phải phòng ngừa bệnh lây qua đường máu bằng cách không tiếp xúc máu với người lạ, không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay, hạn chế xăm hình, không dùng chung bơm kim tiêm... Cẩn thận khi truyền máu, các dụng cụ y tế phải được vô trùng kỹ lưỡng. Mặt khác, nên tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh cho trẻ để giúp trẻ tránh được căn bệnh nguy hiểm này. Hiện nay đã có vắc xin viêm gan B, vì thế cách tốt nhất để phòng tránh viêm gan B là tiêm phòng đủ 3 mũi.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh là thông qua chế độ ăn uống. Cụ thể, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể qua các bữa ăn hằng ngày phải bảo đảm sự cân bằng về vitamin, protein và các khoáng chất thiết yếu. Việc bổ sung quá nhiều loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan, đặc biệt là các loại vitamin A, B3 và sắt. Nên hạn chế ăn các loại thức ăn đã được chế biến sẵn vì chúng có chứa nhiều chất bảo quản, gây ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như khả năng hoạt động của gan. Cùng với chế độ dinh dưỡng, cần tăng cường vận động thể lực giúp kiểm soát cân nặng, tăng cường tuần hoàn máu, đốt cháy năng lượng dư thừa trong cơ thể, bảo vệ và duy trì ổn định chức năng giải độc của gan.

Ngoài ra, để gan luôn khỏe mạnh, hãy hạn chế dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có độc cho gan. Mặt khác, không xem ti vi hoặc ngồi trước máy tính quá lâu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mắt có liên quan trực tiếp tới chức năng hoạt động của gan. Khi đôi mắt mệt mỏi, gan cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu công việc đòi hỏi thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, hãy để mắt thường xuyên được nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu trong gia đình có người bệnh gan nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Nếu được chẩn đoán nhiễm HBV khi có thai, phải nói cho bác sĩ biết để được điều trị sớm ngay sau khi sinh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top