Y tếSức khỏe

Biệt dược điều trị viêm gan C tại Việt Nam đắt gấp 12 lần Ấn Độ

09:10 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 7503 In bài viết

Thuốc kháng virus trực tiếp điều trị viêm gan C (DAAs) ở Việt Nam hiện cao gấp 12 lần so với Ấn Độ và giá thuốc thấp nhất tại Việt Nam cao gấp 5-15 lần của Quỹ toàn cầu, khiến nhiều người bệnh không có điều kiện chi trả.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus tại Việt Nam do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9. 

Giá thuốc cao gấp 5-15 lần 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thủ phạm ung thư gan ở Việt Nam là do virus viêm gan B (VGB) và viêm gan C (VGC). Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam cao là nhiều người chưa biết về tình trạng bệnh; tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm và điều trị VGB, VGC còn thấp; chưa chú trọng đến việc theo dõi lâu dài và tuân thủ điều trị cho người bệnh. 

Nguyên nhân nữa là bởi giá thuốc điều trị VGC ở Việt Nam rất cao, chưa được BHYT chi trả. Theo GS Nguyễn Văn Kính, hiện chưa có vắc xin dự phòng cho VGC, tuy nhiên VGC có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên virus VGC. Hiện đã có khoảng 50 loại thuốc kháng virus trực tiếp điều trị cho VGC (DAAs) khác nhau và cách phối hợp thuốc khác nhau, tỷ lệ khỏi bệnh đã đạt trên 95%.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, giá biệt dược DAAs hiện quá cao, khiến nhiều người bệnh không có điều kiện chi trả.

Theo khảo sát của TS.Nguyễn Khánh Phương, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, so sánh giá biệt dược DAAs thấp nhất tại Việt Nam với giá thuốc generic bán tại Ấn Độ thì giá thuốc tại Việt Nam cao gấp 12 lần và cao hơn một số nước khác trong khu vực. Đặc biệt, trong chương trình “Hỗ trợ điều trị viêm gan C cho 7 quốc gia Châu Á và Châu Phi”, giá thuốc DAAs tại Việt Nam là cao nhất. So sánh với giá thuốc PPM của Quỹ toàn cầu, giá thuốc thấp nhất tại Việt Nam cao gấp 5-15 lần.

Chính vì giá thành quá cao nên người bệnh VGC ở Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận điều trị. 

Ung thư gan tăng cao 

Viêm gan virus không chỉ báo động ở Việt Nam mà còn là căn bệnh nguy hiểm trên toàn cầu khi nó ảnh hưởng tới hơn 300 triệu người và gây ra 1,34 triệu ca tử vong năm 2015, hầu hết do xơ gan (720.000 ca tử vong) và ung thu gan (470.000 ca tử vong) liên quan đến viêm gan virus B (VGB) và viêm gan virus (VGB). 

Theo bà Oriel Fernandes, Phó Giám đốc Chương trình viêm gan toàn cầu, nếu không can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2040 số ca tử vong do viêm gan virus sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong do HIV, lao và sốt rét. 

Tại Việt Nam, ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 7/2017, có 7,8 triệu người VGB mạn và 1 triệu người có virus VGC. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ít nhất có 3,22 triệu người VGB ở nước ta cần phải điều trị và 1,28 triệu người được chẩn đoán, 689 nghìn người đủ tiêu chuẩn điều trị. 

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có gần 44 nghìn người được điều trị. “Đây là khoảng cách xa vời so với thực tế. Có người bị VGB, xơ gan, ung thư gan rồi mới đến cơ sở y tế thăm khám. Nhiều gói xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt đới đến các khu công nghiệp, cứ đưa xét nghiệm VGB, VGC vào là công nhân từ chối không làm vì chi phí xét nghiệm không được doanh nghiệp chi trả” – GS Kính cho biết. 

Đây chính là một trong những nguyên nhân mà phần lớn người nhiễm viêm gan virus không biết mình mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, hầu hết bệnh nhân tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám đều ở tình trạng nặng, phần lớn chuyển sang xơ gan và ung thư gan. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay mới chỉ có 80 nghìn ca VGC được chẩn đoán và trên 30 nghìn ca đủ điều kiện điều trị nhưng tới nay chỉ có 4.500 ca mắc VGC được điều trị. 

Theo GS Kính, nhiều ca VGC chưa biết về bệnh của mình, được chẩn đoán điều trị chủ yếu ở tuyến Trung ương và thành phố lớn. Ước tính có 24 nghìn ca ung thư gan ở khu vực miền Nam và miền Trung. Tỷ lệ mắc mới ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương, sau Mông Cổ và thứ 4 so với toàn cầu.

Nhiều người khi tới bệnh viện mới biết mình mắc viêm gan virus.

Để viêm gan virus không trở thành gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, đặc biệt là những người nhiễm VGC có điều kiện tiếp cận với thuốc DAAs, theo TS Nguyễn Khánh Phương, cần phải gỡ các rào cản, vướng mắc trong cung ứng thuốc DAAs qua BHYT. 

Đó là, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới được bổ sung vào Danh mục chi trả BHYT để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện. Nên đưa các thuốc DAAs vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá thuốc giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân BHYT. Đồng thời, Bộ Y tế nên xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top