Y tếSức khỏe

Cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm

08:43 - Thứ Hai, 07/10/2019 Lượt xem: 7510 In bài viết

ĐBP - Thời điểm giao mùa từ hạ sang thu là lúc thời tiết thay đổi, chuyển từ nóng sang lạnh, nhiệt độ và độ ẩm không khí diễn biến thất thường. Ðây là khoảng thời gian thuận lợi để các vi khuẩn gây bệnh phát triển, gây nên các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó, cần chủ động thực hiện công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh thăm khám bệnh nhân.

Tại tỉnh ta, có nhiều bệnh truyền nhiễm thường gặp khi giao mùa từ hè sang thu, chủ yếu là: Cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, adenovirut, thủy đậu. Trong đó, cúm là một trong những bệnh dễ mắc phải nhất ở thời điểm giao mùa; thường bị ở người già và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch bị suy giảm hay chưa hoàn thiện, vi rút cúm rất dễ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp với những triệu chứng, như: Sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, đau họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 8/2019, toàn tỉnh có 111 ca nhiễm cúm, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ vậy, thời điểm giao mùa, cơ thể người cũng rất dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa. Tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 6.429 ca tiêu chảy. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, thức ăn không được bảo quản cẩn thận rất dễ bị hỏng do nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Vào thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn còn ghi nhận 9 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, các trường hợp này hầu hết đều đi học, đi làm ăn và bị lây nhiễm ở vùng có dịch sốt xuất huyết mới trở về phát bệnh tại Ðiện Biên. Ngoài các bệnh trên, Trung tâm còn ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng, 111 ca adenovirut, 938 ca thủy đậu… Ðiều đó cho thấy tình hình các bệnh truyền nhiễm trong thời điểm giao mùa còn có thể diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai nhiều nội dung để chủ động phòng chống dịch bệnh. Trong đó tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên người; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh. Ðồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm mùa mưa lũ, hè thu, thu đông, đông xuân, xuân hè; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, điều tra xác minh, xử lý, báo cáo ca bệnh các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn… Trung tâm cũng khuyến cáo người dân tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, khoa học; thường xuyên tập thể dục, thể thao; bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất cho cơ thể; thường xuyên nhỏ thuốc sát trùng, đeo khẩu trang khi ở trong vùng có nguy cơ lây qua đường hô hấp… để chủ động phòng tránh các bệnh trong thời điểm giao mùa.

Ngoài các bệnh trong thời điểm giao mùa, gần đây, bệnh whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) đang có nguy cơ tái bùng phát tại Việt Nam với nhiều ca mắc được ghi nhận tại các địa phương. Bệnh whitmore là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn “ăn thịt người” Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh whitmore tiến triển nhanh và có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên chưa ghi nhận ca nào mắc bệnh whitmore. Tuy nhiên, việc chủ động phòng chống căn bệnh này là việc làm hết sức cần thiết. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, việc cần làm đầu tiên là tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng bệnh whitmore. Trong đó, tuyên truyền để người dân hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính, như: Tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top