Y tếSức khỏe

Mường Nhé phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ

08:44 - Thứ Hai, 07/10/2019 Lượt xem: 6469 In bài viết

ĐBP - Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính (NKHHCT) ở trẻ, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp... Mặc dù năm qua trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa ghi nhận trường hợp tử vong, song nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh nguy hiểm, do vậy để phòng tránh dịch bệnh các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, chăm sóc, phát hiện và xử trí kịp thời khi trẻ bị viêm khuẩn hô hấp cấp tính.

Bác sĩ Trung tâm Y tế Mường Nhé thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Theo ước tính, trên toàn thế giới có khoảng 4.300 trẻ em tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ 20 giây lại có một trẻ tử vong do viêm phổi, 90% số này là ở các nước đang phát triển. Nếu được chăm sóc tốt, hầu hết trẻ bị NKHHCT sẽ tự khỏi trong khoảng 10 - 14 ngày. Tuy nhiên, khoảng 20 - 25% trẻ mắc sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp trước khi biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ Lò Văn Sen, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Tính đến hết tháng 8/2019, chương trình phòng chống NKHHCT ở trẻ em được triển khai ở 11/11 xã trong toàn huyện; trong đó, tổng số lần khám bệnh là 2.190 lượt; số trẻ được điều trị là 1.930 trẻ. Bệnh NKHHCT ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở đường thở - đường từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi... bệnh thường xảy ra từ tháng 9 - tháng 3 năm sau. Bệnh thường có biểu hiện ho không quá 30 ngày; có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Ðau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè… Khi bệnh phát triển nặng, trẻ thường bỏ bú hoặc không uống được, co giật, ngủ li bì. Ðây là bệnh phổ biến, nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính một em bé dưới 5 tuổi có thể bị NKHHCT 5 - 8 lần/năm.

Do vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng như bị ho, cảm lạnh thường, sốt, chảy nước mũi, thở bằng miệng... nghi mắc bệnh NKHHCT thông thường, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, đồng thời vệ sinh mũi, miệng cho trẻ bằng nước muối; giúp trẻ ho và tống xuất đờm hiệu quả như vỗ lưng cho trẻ, tốt nhất là làm trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Ðồng thời, bổ sung thức ăn (bột, cháo nấu loãng), có đủ thành phần các chất dinh dưỡng (gạo, thịt hoặc trứng, rau xanh...); nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ nhận đủ số lượng thức ăn và luôn thay đổi món để kích thích sự thèm ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Ðặc biệt, khi thấy trẻ có các triệu chứng bệnh nặng các bậc phụ huynh phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ; không nên tự cho trẻ uống thuốc đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và rất khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.

Ðể phòng bệnh NKHHCT ở trẻ, bác sĩ Lò Văn Sen khuyến cáo thêm: Các bậc phụ huynh cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo đúng lịch trình; chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ; trẻ nên được ở trong phòng đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí ô nhiễm, không khí lạnh; bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng tuổi. Ðặc biệt, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhất là ngành Y tế trong phòng, chống NKHHCT ở trẻ, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, cập nhật thông tin nhằm chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ; khi phát hiện trẻ nghi mắc bệnh NKHHCT cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top