Y tếSức khỏe

Phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

08:35 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 8674 In bài viết

ĐBP - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ gây tử vong cao. Bệnh làm giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy hại. Bệnh tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể chủ động phòng tránh và phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Khoa Lao phổi, bệnh phổi (Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) thăm khám bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

COPD là tình trạng bệnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự cản trở thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Có thể hiểu đơn giản là người mắc bệnh COPD đường thở bị hẹp lại so với bình thường, gây khó thở. Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Bá Quỳnh, Phó Trưởng khoa Lao phổi, bệnh phổi (Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) thì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh COPD là do hút các loại thuốc lá, thuốc lào. Khoảng 15% số những người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng của COPD; 80 - 90% các bệnh nhân hút thuốc. Ngoài ra, việc tiếp xúc với bụi và hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói); ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà (khói bếp do đun củi, rơm, than...) hoặc nhiễm vi rút, đặc biệt vi rút hợp bào hô hấp có khả năng làm tăng tính phản ứng phế quản, tạo cơ hội cho bệnh phát triển. COPD ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở. COPD có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau đây: Ho mạn tính (kéo dài); ho có đờm, đờm có thể màu trắng, màu vàng xám. Khó thở khi gắng sức, xuất hiện dần dần, cùng với ho hoặc sau đó một thời gian; giai đoạn muộn có khó thở liên tục. Nguy hiểm hơn, đợt cấp COPD là một tình trạng bệnh từ giai đoạn ổn định trở nên xấu đi đột ngột ngoài những biến đổi thông thường hàng ngày và đòi hỏi thay đổi cách điều trị tích cực hơn ở bệnh nhân. Về lâu dài COPD và đợt cấp COPD làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày hoặc nguy hại hơn là tử vong, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời… Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp đón và điều trị cho trên 140 bệnh nhân mắc COPD và đợt cấp COPD, tăng gần 30 bệnh nhân so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những bệnh nhân đang nằm điều trị tại Khoa Lao phổi, bệnh phổi, ông Lường Văn É, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) cho biết: Trước đây, bản thân tôi thường xuyên bị ho kéo dài, khó thở, thở khò khè, đôi lúc có cảm giác khó chịu và đau tức ngực. Khi đi khám mới phát hiện mình bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và được các bác sĩ theo dõi, hướng dẫn cách điều trị. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nói bệnh của tôi chuyển biến thành đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Qua hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe của tôi dần ổn định trở lại và có thể xuất viện. Tuy nhiên, bác sĩ dặn tôi về nhà cần chú ý theo dõi tình trạng bệnh, sử dụng bình xịt, khí dung và các thuốc phòng đợt cấp tái phát trở lại.

COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả. Cách tốt nhất để phòng tránh COPD là tránh xa các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, khói bụi, môi trường ô nhiễm; luyện tập thể dục hàng ngày; chế độ ăn uống tăng cường các loại rau, thịt, cá nạc, ngũ cốc… Ðồng thời, kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh lý kèm theo. Vì COPD là bệnh mạn tính nên khi phát hiện mắc, người bệnh cần nghiêm túc tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, thường xuyên thăm khám để đánh giá tình trạng bệnh, tư vấn hướng điều trị và kê đơn thuốc. Khi tình trạng bệnh có các dấu hiệu tăng nặng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top