Y tếSức khỏe

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

09:09 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 7484 In bài viết

ĐBP - Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính: Bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp, như ảnh hưởng bởi các yếu tố trong quá trình sản xuất (vật lý, hoá học, sinh học) tác động trực tiếp đến người lao động hay người lao động làm việc quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức hoặc do điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh người lao động không đảm bảo. Bên cạnh đó bệnh nghề nghiệp còn xảy ra do người lao động chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình; trong khi người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động với người lao động.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang quản lý 116 cơ sở lao động hoạt động trong các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp; khai thác mỏ, công nghiệp chế biến và chế tạo; cung cấp nước, quản lý, xử lý rác/nước thải; giao thông vận tải, kho bãi... với 7.500 lao động đang làm việc. 100% số lao động này đều làm việc tại cơ sở có yếu tố có hại, nguy hiểm (nữ chiếm hơn 43%). Hiện các cơ sở này đều lập hồ sơ vệ sinh lao động liệt kê, đánh giá các yếu tố có hại trong môi trường làm việc của người lao động, từ đó xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động kiểm soát các yếu tố có hại, nguy hiểm, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Với 18 đầu máy, trang thiết bị được đầu tư phục vụ công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), phòng chống bệnh nghề nghiệp, như: Máy đo khí CO2, máy đo tiếng ồn, máy đo cường độ ánh sáng, máy đo hơi khí độc cầm tay, máy đo thính lực, máy đo độ rung... Từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tổ chức điều tra, giám sát công tác ATVSLÐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo lĩnh vực ngành tại 85 đơn vị, doanh nghiệp; 89 cơ sở lao động được thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Trung tâm cũng đã kiểm tra và quan trắc môi trường lao động cho 14 cơ sở lao động (5 doanh nghiệp, 9 đơn vị y tế). Tại các đợt quan trắc môi trường ở các cơ sở, doanh nghiệp, đoàn đã sử dụng các thiết bị đo các chỉ số tiếng ồn, bụi, ánh sáng... tại các vị trí kỹ thuật theo thường quy kỹ thuật của Bộ Y tế; kiểm tra các loại hồ sơ liên quan đến công tác ATVSLÐ; việc chấp hành các quy định về chế độ bảo hộ lao động, nội quy lao động; các tiêu chuẩn, quy phạm ATVSLÐ, phòng chống cháy nổ... Căn cứ kết quả kiểm tra, quan trắc môi trường đoàn đã khuyến nghị các doanh nghiệp giải pháp tổ chức lao động, y tế và giải pháp kỹ thuật để các đơn vị bố trí thời gian làm việc cho người lao động hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác ATVSLÐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Biểu hiện đó là người sử dụng lao động chưa quan tâm đầy đủ công tác ATVSLÐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp; số cơ sở sản xuất thực hiện công tác thống kê báo cáo định kỳ; lập hồ sơ vệ sinh lao động; hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động vẫn còn thấp. Việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức trong khi một bộ phận người lao động thiếu kỹ năng, không hiểu rõ về các yếu tố, tác hại nghề nghiệp trong môi trường làm việc. Các điều kiện bảo hộ lao động cho công nhân, người lao động còn thiếu, không ít cơ sở sản xuất không đảm bảo về công tác vệ sinh lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp phần lớn chỉ dừng lại ở việc khám phân loại sức khỏe, chưa triển khai khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top