Y tếSức khỏe

Phòng tránh bệnh quai bị

09:09 - Thứ Hai, 08/06/2020 Lượt xem: 13378 In bài viết

ĐBP - Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh quai bị, tập trung ở 3 huyện: Nậm Pồ (47 trường hợp), Tủa Chùa (8 trường hợp) và Tuần Giáo (2 trường hợp). Ðây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp và xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa đông - xuân. Quai bị là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới có thể dẫn đến vô sinh. Bệnh quai bị thường gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường học... Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có hệ miễn dịch tốt rất hiếm khi tái phát.

Bệnh nhân mắc bệnh quai bị thường có biểu hiện chính ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên 39,50C - 400C, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày, tuy nhiên có một số trường hợp bị nhiễm vi rút quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết được.

Ðể chủ động phòng tránh bệnh quai bị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố, nhất là những địa bàn có trường hợp mắc quai bị phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh cần chủ động cách ly, điều trị kịp thời không để bệnh lây lan, bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh bệnh quai bị cho người dân cũng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; lồng nghép vào các buổi họp thôn, bản; kết hợp tuyên truyền qua hoạt hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế; qua các buổi tiêm chủng mở rộng, hệ thống loa phát thanh của huyện, xã… Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não... Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh bệnh quai bị: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp; thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top