Y tếSức khỏe

Dùng thuốc giải độc 8.000 USD/lọ, người đàn ông vẫn nguy kịch vì sản phẩm Minh Chay

14:56 - Thứ Hai, 31/08/2020 Lượt xem: 9657 In bài viết

Hai bệnh nhân cao tuổi là vợ chồng ở Hà Nội đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi dùng sản phẩm Minh Chay, đã được điều trị thuốc giải độc nhập từ Thái Lan. Hiện, người chồng vẫn đang phải thở máy, tiên lượng rất nặng. 

Liên quan đến vụ việc Pate Minh Chay được phát hiện có chứa khuẩn độc tố mạnh, gây ảnh hưởng sức khỏe đến người dùng, khiến nhiều người nhập viện, sáng nay 31/8, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết: “Hiện, Trung tâm tiếp nhận 2 bệnh nhân nội trú và 4 bệnh nhân khác tới khám kiểm tra, đều bị ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi có dùng sản phẩm chay. Trong đó có hai bệnh nhân cao tuổi rất nặng”.

Nam bệnh nhân vẫn đang thở máy, tiên lượng rất nặng. (Ảnh chụp trưa 31/8).

Họ là hai vợ chồng ở Hà Nội, độ tuổi 68-70, được chuyển sang từ BV Lão khoa vào ngày 18/8. Ngay khi tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân, kiểm tra xét nghiệm cho thấy điển hình ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum. Khai thác bệnh sử, cả hai bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm ăn chay của Minh Chay, mua trên mạng. Ăn đến lọ thứ 2 được vài bữa, tới bữa cuối cùng vào cuối tháng 7, thì sang đầu tháng 8 cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện đau họng, khó nuốt, sụt mi, khó nuốt, yếu chân, tay.

Bệnh nhân nam (người chồng) tình trạng bệnh lý nặng hơn, liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn; còn người vợ liệt các cơ nhẹ hơn, nhưng cũng không thể ngồi dậy được, không tự ăn được. Các bệnh nhân được điều trị cấp cứu hồi sức. Bệnh nhân đến viện khá muộn sau khi ăn thực phẩm dẫn đến ngộ độc… Điều lo ngại trong điều trị loại ngộ độc này phải dùng thuốc giải độc phải và phải được phát hiện sớm. Tuy nhiên đây là loại ngộ độc hiếm nên thuốc giải độc không thường xuyên, nên hiếm, đặc biệt. 

Người vợ đã tiến triển tốt sau khi sử dụng thuốc giải độc.

Bệnh nhân đã chẩn đoán muộn lại thuốc hiếm nên việc điều trị rất khó khăn. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân và chẩn đoán ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum lập tức, BV có công văn báo cáo Bộ Y tế và cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra, và hỗ trợ công tác điều trị. Theo ông Nguyên, vi khuẩn Clostridium botulinum là loại vi khuẩn yếm khí, thường trong thực phẩm đóng kín trong chai lọ, túi… vi khuẩn phát triển sinh ra độc tố, đặc biệt ảnh hưởng, tổn thương thần kinh, gây liệt cơ, đặc tính gây liệt nặng nề, kéo dài, có thể phải thở máy nhiều tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Trên thực tế vi khuẩn này có mặt ở nhiều thực phẩm rau củ, đậu lên men… nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm vi khuẩn sẽ phát triển, sinh ra độc tố.

Ngoài ra có 4 bệnh nhân khác đến thăm khám trong tình trạng nhẹ hơn, mỏi cơ, khó thở, khó nuốt…Gặp chị Nguyễn Thị L, 40 tuổi, ở Thái Nguyên tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chị cho biết, chị thường xuyên ăn đồ ăn chay và vừa mới ăn 2 lần Pate Minh Chay. Cách đây hơn 2 tuần, chị L. thấy mệt mỏi, buồn nôn nhưng lại nghĩ do vừa ăn quả ổi nên có triệu chứng đó. 

Ngày 15/8, chị đi khám ở Thái Nguyên nhưng không ra bệnh. Sau thấy triệu chứng đau đầu, khó nuốt, ngày 17/8, chị đến khám tại Bệnh viện Đại học Y không ra bệnh và cho về theo dõi, nhưng chị không về vì thấy cơ thể rất mệt. Chị L. thuê ở phòng ở bệnh viện, đến ngày 18/8 rất mệt mỏi, không nuốt được, khó thở, chị vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu. 

Chị L. đem hộp Pate Minh Chay mình sử dụng đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Chị L. nhập viện Đại học Y, 2 ngày trước chị mới biết về độc tố của Pate Minh Chay này. "Sáng nay tôi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai khám", chị L. cho biết.  

Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, đối với 4 người mới đến, những người này chưa có thuốc giải độc thì tự hồi phục. Có bệnh nhân ăn từ 1 tuần trước, triệu chứng đã đạt đỉnh rồi, có thể họ phải mất hàng tháng để hồi phục.

BS Nguyên cũng cho biết, chất độc có sẵn trong thực phẩm, thời gian ủ bệnh khoảng 12-36 tiếng sau khi bệnh nhân sử dụng, sau đó bệnh nhân có biểu hiện bất thường, giao động 1 tuần sau khi ăn. Theo BS Nguyên, trên thực tế, rất ít gặp ca ngộ độc như vậy. Do đó, thuốc giải độc rất hiếm, tại bệnh viện hay ở Việt Nam đều không có. Theo giải thích của BS Nguyên, vì bệnh này ít xảy ra thường xuyên nên rất hiếm gặp, mà đã gặp là rất nhiều người, nên các công ty dược ít sản xuất. Chính vì hiếm nên thuốc giải độc này còn gọi là thuốc "mồ côi". 

Hai lọ thuốc trị giá 16.000 USD nhập về điều trị cho 2 bệnh nhân

Khi tiếp nhận 2 bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế. Qua Hội các Trung tâm chống độc khu vực, BS Nguyên biết ở Thái Lan đang dự trữ thuốc giải độc này, ông đã liên hệ với Trung tâm chống độc của 1 bệnh viện ở Thái Lan để tìm mua. Suốt những ngày qua, được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, WHO tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, thậm chí ngày nào WHO tại Việt Nam cũng họp 2 lần, tới ngày 29/8, Bệnh viện mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium botulinum về Việt Nam.

Giá 1 lọ thuốc giải độc là 8.000 USD (do Canada sản xuất, hạn sử dụng 2022) và ngay lập tức cho 2 bệnh nhân sử dụng (mỗi người 1 lọ). Theo BS Nguyên cho biết, thuốc giải độc rất hiệu quả. 

Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh nhân nam luôn có nguy cơ suy hô hấp, liệt phổi. Sau khi dùng thuốc bệnh nhân nam chưa thấy có thay đổi, nhưng bệnh nhân nữ đã hồi phục rõ, ngồi dậy và nói chuyện được. Tuy nhiên, bệnh nhân nam có thể phải thở máy hàng tháng nữa và gặp rất nhiều nguy cơ trong quá trình nằm viện như gặp rất nhiều biến chứng từ nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và có thể tử vong từ các biến chứng. Còn để hồi phục được thì bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian sau nữa. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

BS Nguyên cũng cho biết, nhiều năm qua chưa có ngộ độc này, trong y văn đây cũng là ngộ độc quá cổ điển, rất hiếm gặp.  Đây là lời cảnh báo cho các hộ gia đình hiện sản xuất các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói thủ công như cà muối, măng muối, thịt muối...

BS Nguyên kiến nghị, nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc "mồ côi", thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước. 

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top