Y tếSức khỏe

Xung quanh vụ pate Minh Chay nhiễm độc: Bài học về công tác quản lý, giám sát

09:20 - Thứ Ba, 01/09/2020 Lượt xem: 10081 In bài viết

Ngày 31-8, tiếp tục có một số trường hợp tới khám, xét nghiệm tại bệnh viện sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều giải pháp để xử lý hậu quả vụ việc cũng như không để xảy ra những vụ tương tự. Dù chưa có kết luận song vụ việc đã để lại bài học về công tác quản lý, giám sát.

Sáng 31-8, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân tới khám và làm xét nghiệm sau khi ăn pate Minh Chay. Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận điều trị cho 2 vợ chồng (ở Hà Nội) nhập viện sau khi ăn gần hết 2 hộp pate Minh Chay.

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cũng đang điều trị cho 7 bệnh nhân vì ăn pate Minh Chay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum gây độc tố botulinum - vi khuẩn được tìm thấy trong pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới. Ông khuyến cáo, người dân khi đã dùng các sản phẩm pate Minh Chay có dấu hiệu lạ về sức khỏe cần đi khám khẩn cấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vi khuẩn gây ngộ độc có trong pate Minh Chay có thể sinh ra do quá trình chế biến, bảo quản không bảo đảm an toàn.

Cùng ngày, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc đề nghị các bệnh viện thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc tố botulinum và có tiền sử sử dụng thực phẩm pate Minh Chay. 

Cũng trong ngày 31-8, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có báo cáo nhanh về việc kiểm tra thông tin khẩn cấp sản phẩm pate Minh Chay không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, từ ngày 20 đến 30-8, các đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) - đơn vị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, phối hợp với UBND huyện Đông Anh đã tăng cường kiểm tra công ty này.

Riêng tại buổi kiểm tra ngày 30-8, công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm; chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho để sản xuất các loại sản phẩm... Hiện có hơn 7.000 sản phẩm pate Minh Chay đã được xuất bán ra thị trường từ ngày 1-7 đến 2-8.

Đoàn công tác đã tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty tại địa chỉ số 53 tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; tạm dừng hiệu lực giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp số 01/2020/NNPTNT-HAN ngày 3-1-2020...

Trước sự việc trên, trong ngày 31-8, Sở NN&PTNT Hà Nội giao Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao làm rõ trách nhiệm đồng thời tăng cường công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp để cảnh báo, thu hồi sản phẩm, hạn chế tối đa hậu quả mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Sau vụ việc trên, ngày 31-8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) đã có văn bản chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Vụ việc trên đã cho thấy bất cập trong công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng khi không kiểm soát được sản xuất của doanh nghiệp. Đây là bài học để các đơn vị quản lý, các công ty kinh doanh thực phẩm rút ra, trong đó phải luôn tuân thủ, giám sát chặt chẽ hơn về quy định chống nhiễm khuẩn, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top