Y tếSức khỏe

Thực phẩm chay ngoại nhập, hữu cơ “lên ngôi”

15:20 - Thứ Hai, 21/09/2020 Lượt xem: 5069 In bài viết

Sau vụ pate Minh Chay bị phát hiện nhiễm vi khuẩn botulinum dẫn đến nhiều người phải nhập viện, người tiêu dùng (NTD) lo ngại thực phẩm chay tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, nên đã chuyển hướng sang mua thực phẩm chay ngoại nhập, hữu cơ để thay thế, dù nhiều loại thực phẩm dạng này trên thị trường, ngành chức năng chưa thể kiểm soát về chất lượng...

Tại cửa hàng Vegan chuyên bán thực phẩm chay (đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), khi chúng tôi hỏi mua một thực phẩm chay, người bán giới thiệu nhiều loại thực phẩm chay ngoại nhập, có xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc... và một số thực phẩm chay “sạch” như: nấm, phổ tai, rong biển, mì ăn liền...

Theo giới thiệu của người bán, “phổ tai được nuôi trồng ở vùng nước không bị ô nhiễm kim loại, 100% thiên nhiên, không chất bảo quản. Có thể nấu phổ tai với cơm gạo hay ninh phổ tai, rong biển lấy nước dùng để làm ngọt nước thay cho mì chính, bột nêm; hoặc kho, xào với các loại rau củ, làm gỏi…”. Hạt nêm được quảng cáo “hoàn toàn từ rau củ quả 100% thiên nhiên, không biến đổi gen, không bột ngọt, không chất siêu ngọt, không hoá chất bảo quản...”.

Thế nhưng, thông tin trên bao bì sản phẩm toàn chữ Hàn Quốc, không dán kèm nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Chính vì vậy mà người mua chỉ biết tin vào lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, còn thực tế các thông tin liên quan đến các chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm... thì hoàn toàn mù tịt. Giá của sản phẩm này cũng cao ngưởng như: phổ tai Hàn Quốc 540.000 đồng/kg; bột nêm chay ra 390.000 đồng/gói 600gr; combo 5 gói mì thuần chay giá 115.000 đồng...

Thực phẩm chay bán tràn lan nhưng chưa được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự, tại cửa hàng Hữu Duyên (đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bán rất nhiều thực phẩm chay nhập từ Hàn Quốc. Cầm bịch hạt nêm rong biển gồm 18 gói (8gr/gói) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, nhân viên bán hàng tư vấn đây là sản phẩm hạt nêm làm từ tảo bẹ Hokkaido, Kuseganaku và không có chất bảo quản, giá sản phẩm 120.000 đồng.

Chúng tôi thắc mắc, không có tiếng Việt thì làm sao người tiêu dùng biết được các thông tin liên quan đến sản phẩm, nhân viên bán hàng cho biết do sản phẩm tiêu thụ mạnh, hàng về bao nhiêu bán bấy nhiêu nên không kịp dán nhãn phụ tiếng Việt.

Ngoài sản phẩm ngoại nhập, nhân viên cũng giới thiệu thêm một loại thực phẩm bán rất chạy tại cửa hàng là chả lụa chay làm thủ công, giá 170.000 đồng/kg. Thành phầm gồm: đạm lúa mì, tinh bột mì, dầu hoa cải, muối biển sấy, đường mía thô, nước mắm chay, tiêu, hạt nêm nấm đông cô.Sản phẩm không sử dụng hàn the, chất bảo quản, cholesterol... Thế nhưng, sản phẩm được gói trong bọc nilon, không có nhãn sản phẩm nên NTD hoàn toàn không biết được chất lượng sản phẩm tới đâu?

Lướt qua “chợ” mạng, chúng tôi nhận thấy thực phẩm chay ngoại nhập, hữu cơ đang được chào bán rầm rộ, tràn lan với giá cả đa dạng. Hầu hết các loại thực phẩm chay ngoại nhập được NTD lùng mua và luôn trong tình trạng “cháy hàng” như: Nước mắm chay đậu đen hữu cơ, nước tương đậu nành nấm hương, sốt đậu đen hữu cơ,... (xuất xứ Đài Loan), được giới thiệu có giấy chứng nhận Organic, Taiwan. Chính vì sản phẩm ngoại nhập, hữu cơ nên giá cả chẳng rẻ chút nào như: Nước mắm chay đậu đen hữu cơ (300ml) giá 229.000 đồng/chai; nước tương đậu nành nấm hương, sốt đậu đen hữu cơ (300ml) giá 150.000 đồng/chai. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều sản phẩm bán trên “chợ” online không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. 

Trên Shopee.vn, sản phẩm men dinh dưỡng thuần chay nhãn hiệu L.H (xuất xứ Đài Loan), trong phần giới thiệu ghi “men dinh dưỡng Pháp”, giá 370.000 đồng/hộp. Đây là sản phẩm ngoại nhưng cũng không có nhãn tiếng Việt theo quy định;s ản phẩm tảo xoắn được quảng cáo xuất xứ Chile, giá 250.000 đồng/gói, nhưng sản phẩm chỉ đóng đơn giản trong túi nilon, hoàn toàn không có nhãn mác; dầu hào chay hữu cơ có giá 110.000 đồng/chai 155ml, xuất xứ Đài Loan, được giới thiệu “làm từ nấm Đài Loan, trong thành phần có cam thảo...” nhưng toàn chữ Đài Loan, không có nhãn phụ tiếng Việt nên NTD khó biết được thực hư thành phần, chất lượng ra sao.

Kể cả trên trang chaysach.com, chào bán bột mayonnaise thuần chay được giới thiệu “không chứa sữa, không có trứng và không chứa gluten”, xuất xứ Úc, hộp 250 gr giá 290.000 đồng, thông tin nhãn sản phẩm toàn tiếng Anh, nhưng cũng trong tình trạng hết hàng.

Theo quy định, sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, nhãn tiếng Việt phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng thông tin: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; thành phần, thành phần định lượng (kể cả chất phụ gia) của sản phẩm; giá trị dinh dưỡng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng...

Trong nước, để sản xuất thực phẩm chay an toàn, các cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000  hoặc tương đương còn hiệu lực.

Trên thực tế, mặc dù có đầy đủ quy định, chế tài nhưng việc tuân thủ và quản lý ATVSTP đối với nhóm thực phẩm chay nói chung và thực phẩm chay ngoại nhập hiện còn lỏng lẻo. Tiến sĩ Phan Thế Đồng – giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường Đại học Hoa Sen, nêu nghịch lý: “Thực phẩm chay XK thì được kiểm soát chặt chẽ do yêu cầu tiêu chuẩn cao từ các nước NK, còn thực phẩm chay NK, sản phẩm sản xuất trong nước thì các cơ quan quản lý còn lơ là trong kiểm soát”.

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, có nhiều cơ quan hữu trách quản lý ATVSTP đối với thực phẩm chay như: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vì nguyên liệu làm thực phẩm chay là nông sản) và Bộ Công Thương (Quản lý thị trường)... Nhưng khi xảy ra sự cố thì khó chỉ rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, vì cách phân nhiệm ở Việt Nam còn mơ hồ, không rõ ràng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia,  để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, khi mua thực phẩm chay, NTD nên mua những sản phẩm có nhãn mác, trên đó thể hiện rõ các thông tin như: Thành phần, định lượng, đơn vị sản xuất, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Nếu là hàng ngoại thì bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt dán kèm. Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top