Y tếSức khỏe

Báo động trẻ thừa cân, thiếu chất

15:11 - Thứ Hai, 26/10/2020 Lượt xem: 7381 In bài viết

Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng đáng báo động, nhất là ở khu vực đô thị của Việt Nam. Không ít trẻ bị thừa cân nặng nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Trong khi đó, các bậc phụ huynh chưa nhận thức rõ vấn đề này để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Thành Nguyễn

Hệ quả của việc nhận thức không đúng

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành với 5.000 học sinh của 75 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc 25 xã, phường tại một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%. 

Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%.

Dù tỷ lệ béo phì ở trẻ gia tăng nhưng theo một cuộc điều tra tại Hà Nội cũng do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, có đến 53% phụ huynh khi được hỏi không nhận thức đúng tình trạng thừa cân của con em mình. Thậm chí, nhiều người còn thích con mập, cho con ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, bánh kẹo… khiến trẻ thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.

Mới 4 tuổi nhưng con gái chị Lê Thu V. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nặng tới 25kg. Được khen “mát tay” nuôi con nên trong thời gian dài, chị V. thường ép con ăn mà không quan tâm đến việc con thừa cân. Đến khi con bị ốm, phải nhập viện điều trị, chị mới tá hỏa khi bác sĩ cho biết, bé bị thiếu chất dinh dưỡng. 

Đưa con đến khám tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, bác sĩ cho biết bé bị dư thừa chất béo, chất đạm nhưng lại thiếu một số vi chất, như: Canxi, sắt, kẽm…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chúng ta không nên nghĩ béo phì nghĩa là cái gì cũng thừa. Có những bé béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất. 

Thậm chí, ngày nay trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu, khả năng hấp thụ của cơ thể, trong khi đó lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, trẻ thừa cân, béo phì do khẩu phần ăn giàu năng lượng và protein nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp. 

Qua khảo sát về thói quen vận động của trẻ đến khám tại Trung tâm Điều trị béo phì và hội chứng chuyển hóa của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2019 thì 88% trẻ thừa cân, béo phì dành nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử và ít tập luyện thể dục thể thao. 

Theo số liệu thống kê, thời gian vận động ở nhóm trẻ béo phì trung bình là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút/ngày. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh, đặc biệt là xem tivi ở trẻ béo phì là hơn 82 phút/ngày (trẻ bình thường là 50 phút/ngày).

Bác sĩ tư vấn cho phụ huynh về chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Hải Anh

Tăng vận động, hạn chế thực phẩm kém lành mạnh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất như chất đạm, chất béo, chất bột đường, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng trưởng cả chiều cao, cân nặng và trí tuệ. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, hay mắc bệnh vào thời điểm giao mùa.

Đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện ở trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai cho rằng, giai đoạn trẻ từ 6 đến 11 tuổi là thời điểm cơ thể phát triển mạnh cả về thể chất cũng như trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Ở giai đoạn này, nếu trẻ bị thiếu hụt chất sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tầm vóc cũng như trí lực khi bước vào giai đoạn trưởng thành. 

“Ngoài việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, trong bữa ăn nên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhanh, nước ngọt…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai nói.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, để trẻ phát triển toàn diện, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới hai tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. 

Mặt khác, trẻ cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như phát triển cơ thể toàn diện; với trẻ từ 0 đến 5 tuổi ngủ đủ 11 giờ/ngày, từ 5 đến 10 tuổi ngủ đủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ngày…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top