Y tếSức khỏe

Cô đỡ thôn bản chăm sóc sức khỏe sinh sản

09:24 - Thứ Năm, 24/12/2020 Lượt xem: 12007 In bài viết

ĐBP - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cô đỡ thôn bản là những “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong việc thực hiện chăm sóc SKSS của nhân dân. Nhờ duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản, chất lượng chăm sóc SKSS của nhân dân trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Pồ từng bước được nâng lên.

Cô đỡ thôn bản Khoàng Thị Ðem, bản Nà Cang, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) tư vấn, khám sức khỏe cho thai phụ tại nhà.           

Trong chuyến công tác về cơ sở, chúng tôi có dịp trò chuyện với cô đỡ thôn bản Lò Thị Ðường, bản Nậm Ðích (xã Chà Nưa). Cô Ðường chia sẻ: Tôi làm cô đỡ thôn bản từ năm 2016, đến tháng 1/2020, nhận được thông báo nghỉ việc của Trạm Y tế xã vì không còn phụ cấp. Tuy nhiên đến tháng 2/2020, thông qua dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm dành cho cô đỡ thôn bản, tôi được tập huấn và làm việc trở lại. Nậm Ðích là bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới của xã Chà Nưa, (cách trung tâm xã hơn 40km) hiện có 90 hộ sinh sống, trên 90% là dân tộc Mông. Ðời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em chăm sóc SKSS gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Phần vì bản cách xa trạm y tế, đời sống người dân quá khó khăn nên không đến sinh tại các cơ sở y tế; phần vì do tập tục, thói quen phụ nữ người Mông không sinh con trước người lạ. Do đó chúng tôi phải kết hợp tuyên truyền mọi nơi, mọi lúc (lúc ở nhà, lúc đi nương…). Nhiều trường hợp phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường tôi phải đến nhà vận động 5 - 6 lần, chồng mới đồng ý đưa vợ đến Trung tâm Y tế huyện để kiểm tra; khi đi trong nhà không có lấy một đồng, tôi còn 200.000 đồng trong người cũng phải đưa cho họ vay để lấy tiền đổ xăng. Từ đầu năm đến nay, tôi đã đỡ đẻ tại nhà cho 18 trường hợp, tư vấn đến sinh tại cơ sở y tế 5 trường hợp; hiện đang theo dõi 4 bà mẹ mang thai. May mắn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Chị Khoàng Thị Ðem, cô đỡ thôn bản ở bản Nà Cang (xã Chà Nưa) cho biết: Từ khi tham gia chương trình cô đỡ thôn bản của dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm tài trợ từ tháng 2/2020 đến nay, tôi đã tư vấn chăm sóc SKSS, vận động 8 trường hợp đến sinh tại cơ sở y tế, đỡ đẻ tại nhà 1 trường hợp. Hiện tôi đang quản lý, theo dõi 4 phụ nữ mang thai tại bản. Trung bình mỗi phụ nữ mang thai sẽ được khám thai định kỳ 3 lần, tư vấn đến sinh tại các cơ sở y tế, thực hiện chăm sóc, theo dõi sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày sau sinh… Phụ cấp dành cho công việc cô đỡ thôn bản không nhiều chỉ được 100.000 đồng/kỳ khám thai và 250.000 đồng/ca đỡ đẻ tại nhà… Tôi làm vì thấy người dân cần mình. Nhiều trường hợp đẻ rơi, không kịp đến cơ sở y tế, nếu không có cô đỡ thôn bản như chúng tôi có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, toàn huyện có 31 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại 11/15 xã trong huyện. Ðến thời điểm hiện tại, các cô đỡ thôn bản của huyện đã thực hiện khám thai 803 lượt, vận động thành công 105 trường hợp đến đẻ tại các cơ sở y tế,  thực hiện đỡ đẻ tại nhà cho 78 trường hợp, theo dõi và chăm sóc sau sinh cho 204 bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày sau sinh. Với khối lượng công việc không nhỏ, sự đóng góp tích cực của những cô đỡ thôn bản góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS trên địa bàn. Tỷ lệ thai phụ được khám thai 3 lần/3 kỳ đạt 71,3% (đạt 102% kế hoạch giao, tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2019); tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt 51,2% (đạt 136,7% kế hoạch giao, tăng 14,8% so cùng kỳ 2019); 100% bản có cô đỡ thôn bản không để xảy ra trường hợp chết mẹ hoặc mắc các tai biến sản khoa.

Ông Nguyễn Giang Binh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Dù sinh sống trong cùng một bản nhưng địa bàn quá rộng, khoảng cách giữa các hộ xa nhau; thói quen ngủ nương, đặc biệt các cặp vợ chồng tảo hôn hoặc sinh con thứ 3 trở lên thường giấu việc mang thai, không chấp nhận sự giúp đỡ từ các cô đỡ thôn bản, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của cô đỡ thôn bản. Bên cạnh đó phụ cấp cho cô đỡ thôn bản không còn dẫn đến một số xã không có cô đỡ thôn bản, không đạt các chỉ tiêu về y tế, tiêm chủng... Từ đầu năm đến nay, số tiền hỗ trợ hàng tháng của các cô đỡ thôn bản do Vingroup - Quỹ Thiện tâm chi trả.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top