Y tếSức khỏe

Thận trọng với làm đẹp giá rẻ

09:02 - Thứ Bảy, 09/01/2021 Lượt xem: 12716 In bài viết

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày một tăng, nhất là vào thời điểm cận tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc “tân trang nhan sắc” tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng hay sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường.

Xử lý tai biến liên tục 

Mới đây, Bệnh viện (BV) JW tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân T.T.T.N. (24 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị hoại tử mũi gây thủng mũi. Theo lời kể của bệnh nhân, chị được người quen giới thiệu nâng mũi tại một spa nhỏ ở địa phương. Khi đó, chủ spa có tư vấn cho chị phương pháp “tối tân nhất” và “giữ trọn đời” là nâng mũi cấu trúc với mức giá “siêu hời” 25 triệu đồng. Chỉ 4 ngày sau, mũi của chị N. đã bị nhiễm trùng, đau nhức liên tục, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch nên chị đã quay lại spa để được bảo hành.

Khi ấy, thay vì rút sống mũi ra thì nhân viên spa lại bơm một loại dung dịch lạ vào mũi chị và “trấn an” chị bỏ thêm 4 triệu mua 2 hộp sữa non để uống, tăng thêm sức đề kháng. Tin lời và làm đủ mọi cách do họ hướng dẫn nhưng 7 ngày trôi qua, tình trạng mũi còn tệ hơn trước, 2 lỗ mũi liên tục chảy dịch đen hôi khó chịu. Lần thứ 2, 3 quay lại spa để cầu cứu, chị N. lại được nhân viên spa “chữa cháy” bằng cách tiêm kháng sinh vào mông, khiến mông bị tích tụ ổ vi khuẩn, hình thành ổ áp xe lớn và hoại tử nặng, khiến cơ thể chị N. đau càng thêm đau, đứng ngồi không yên. Quá sợ hãi và đau đớn sau 3 lần sửa tới sửa lui tại spa dỏm, chị N. tức tốc bắt chuyến xe sớm nhất về TPHCM để cứu lấy chiếc mũi trước khi quá muộn.

Bác sĩ đang xử lý biến chứng tai biến cho bệnh nhân khi làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Ảnh: Thành An

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca biến chứng mà BV JW tiếp nhận và xử lý khi chị em thực hiện làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không uy tín. Theo TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV JW, chưa bao giờ tình trạng thẩm mỹ chui gây nhiều biến chứng rộ như hiện nay, nhiều nhất là các trường hợp cắt mắt, nâng mũi, tiêm filler, chất làm đầy, silicone... Đáng báo động là hầu hết những người thực hiện mổ xẻ cho khách hàng là tay ngang chứ không phải bác sĩ hay nhân viên y tế. Hầu hết các cơ sở làm đẹp thường thổi phồng về lợi ích và rất ít khi đưa ra cảnh báo về rủi ro từ việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Do vậy, một số người như thiêu thân lao vào các cuộc thẩm mỹ mà không lường hết hậu quả có thể xảy đến. Chỉ riêng trong 2 tháng qua, BV JW tiếp nhận ít nhất 10 trường hợp biến chứng nặng. “Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, các chị em tuyệt đối không nên sử dụng dịch vụ ở những cơ sở không phép, người thực hiện cho mình không phải là bác sĩ chuyên khoa có chứng chỉ hành nghề. Bất cứ khi tiêm truyền gì vào cơ thể, cần phải biết nguồn gốc rõ ràng, không nên nghe lời dụ dỗ và xem hình ảnh bóng bẩy trên Facebook hay Website mà phải tham khảo kiểm tra kỹ, vào hệ thống Website sở y tế khảo sát trước về chất lượng tên tuổi của cơ sở cũng như bác sĩ làm cho mình… Bên cạnh đó, trong và sau quá trình thẩm mỹ, nếu có bất cứ điều gì bất thường xảy ra, dù là nhỏ, mọi người cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tránh việc tự xử lý sai khiến thương tổn càng nặng, khó phục hồi”, TS-BS Tú Dung cho hay.

Thận trọng sử dụng mỹ phẩm trôi nổi

Thống kê của BV Da liễu TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 4-5 trường hợp đến khám vì tai biến da do sử dụng thuốc, kem bôi không rõ nguồn gốc. Đến khám tại BV Da liễu TPHCM với gương mặt bị ửng đỏ và sưng tấy, chị T.T.T.N. (31 tuổi, ngụ quận 7) cho biết, chị làm tóc ở một tiệm gần nhà thì bà chủ tiệm tóc chỉ cho chỗ bán mặt nạ đông y để làm trắng da mặt, sạch mụn. Nghe giới thiệu quá hấp dẫn và cũng muốn làm đẹp nhanh kịp tết mà không cần đi thẩm mỹ viện nên chị nhờ mua giùm. Sau 2 ngày mặt chị N. biến dạng, quá hốt hoảng nên đến BV thăm khám. 

Cũng với tâm lý “tút tát” nhan sắc để du xuân, đón tết nhưng ngại vào cơ sở làm đẹp uy tín, chị L.T.A. (25 tuổi, ngụ tại TPHCM) đã bị viêm da do dùng mỹ phẩm làm mịn da mua trên mạng được người bán quảng cáo sản phẩm được sản xuất từ nguồn gốc tự nhiên. Hiện nay, sản phẩm có tên “thuốc bắc gia truyền trị mụn” đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội trong khi hiệu quả của sản phẩm vẫn chưa được kiểm chứng bởi cơ quan chuyên môn. 

ThS-BS Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, BV Da liễu TPHCM, cho biết, những loại thuốc gia truyền trị mụn với thành phần không rõ ràng có thể gây nhiều tác dụng phụ trên da người dùng. Điển hình là viêm da tiếp xúc kích ứng, da sẽ trở nên đỏ, nhạy cảm, bong tróc. Nặng hơn, những loại thuốc gia truyền này có thể gây bỏng da, nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc tình trạng tăng giảm sắc tố. Những biến chứng này điều trị rất khó khăn, kéo dài và phải áp dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường chứa các thành phần như corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân. Đây là những chất được dùng với mục đích làm trắng nhanh, tuy nhiên khi sử dụng lâu dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên làn da như: khiến cho da mỏng đi, các mạch máu bị giãn, da trở nên nhạy cảm, dễ bị đỏ, nóng rát đi kèm với các tình trạng rối loạn sắc tố khác… 

Hiện nay, mỹ phẩm trôi nổi đa phần được trộn thêm corticosteroid với mục đích làm da trắng nhanh. Corticosteroid còn khiến cho người sử dụng rơi vào tình trạng “lệ thuộc”. Nghĩa là khi người sử dụng ngưng các loại mỹ phẩm này, da sẽ trở nên khó chịu, ngứa, đỏ, nổi mụn, sắc tố sậm màu hơn. Tình trạng này buộc bệnh nhân phải sử dụng liên tục mỹ phẩm, dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.

“Làm đẹp là nhu cầu chính đáng đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cần làm đẹp đúng khoa học, phải xác định đúng vấn đề mà da đang mắc phải, việc này sẽ được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá một chính xác và từ đó lựa chọn phương pháp làm đẹp thích hợp. Không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo về hiệu quả làm đẹp tức thì, nhanh chóng”, BS Nguyễn Duy Quân khuyến cáo.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top