Y tếSức khỏe

Nâng cao nhận thức về sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

09:44 - Thứ Hai, 08/03/2021 Lượt xem: 13232 In bài viết

ĐBP - Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản (SKSS) mà còn cả thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. Tuy vậy, hiện nay nhiều bạn trẻ còn thiếu hiểu biết, xem nhẹ hoặc chưa xóa bỏ được mặc cảm, sự e ngại trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” tại Trường THPT huyện Ðiện Biên.

Theo kế hoạch, chỉ hơn tháng nữa anh Trần Văn Hiệp (xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) sẽ cưới vợ. Ðể chuẩn bị cho đám cưới, anh Hiệp đã cẩn thận lên danh sách những việc cần làm, tuy nhiên trong tờ danh sách đó chỉ thấy liệt kê việc chụp hình, chọn áo cưới cho cô dâu, chú rể, lên danh sách mời đám cưới… mà không có việc khám sức khỏe trước hôn nhân. Lý giải về lý do, anh Hiệp cho rằng bản thân sống lành mạnh nên không cần khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Không chỉ có Hiệp mà còn rất nhiều thanh niên sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân cũng chưa coi trọng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, một mặt vì tâm lý e ngại hoặc chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe bản thân, mặt khác thì lo sợ nếu phát hiện bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến việc kết hôn. Vì vậy, số bạn trẻ tự giác tìm đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe tiền hôn nhân rất ít trong khi trên thực tế, đã có không ít trường hợp do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo là suy giảm kinh tế, sức khỏe, tâm lý, hạnh phúc gia đình bị đe dọa…

Nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân cũng như chuyển đổi hành vi của các bạn trẻ, năm 2020, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như: Tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ về tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại 23 trường THPT và 118 trường THCS với tổng số gần 51.000 lượt nghe; tổ chức 155 lượt tuyên truyền cho đối tượng vị thành niên, thanh niên về kỹ năng sống và SKSS… Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lợi ích của khám sức khỏe tiền nhân đã được thực hiện thường xuyên như treo băng rôn, tuyên truyền trên hệ thống loa đài… nhằm nâng cao ý thức cho người dân, nhất là đối tượng chuẩn bị kết hôn tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân có lợi ích quan trọng giúp đánh giá sức khỏe một cách tổng quát; phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm (như viêm gan B hay HIV/AIDS), những bệnh lây truyền qua đường tình dục (như lậu, giang mai); kiểm tra và phát hiện những bệnh lý do di truyền, tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản. Ðồng thời, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn.

Theo bác sĩ Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ: Các cặp đôi nên có kế hoạch khám sức khỏe trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Việc thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện ra những dấu hiệu bất lợi về sức khỏe nhằm được tư vấn và điều trị kịp thời; tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý. Bên cạnh đó, những người có HIV sẽ được tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, nếu muốn sinh con thì các bác sĩ có giải pháp can thiệp để giảm thiểu những hậu quả có thể để lại cho con cái.

Ðể nâng cao nhận thức về tiền hôn nhân cho giới trẻ, thời gian tới, cùng với việc triển khai nhiều hoạt động về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số, xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ. Phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động và giáo dục về SKSS/KHHGÐ; kiểm tra sức khỏe, phát hiện, tư vấn về nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện về chăm sóc SKSS, giáo dục giới tính cho học sinh… Từ các hoạt động thiết thực này, giới trẻ sẽ được trang bị tốt các kiến thức cho bản thân về tình yêu, hôn nhân, gia đình, chăm sóc SKSS... tạo dựng cho bản thân và gia đình cuộc sống hạnh phúc.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top