Y tếSức khỏe

Phòng ngừa thoái hóa cột sống

09:43 - Thứ Hai, 26/04/2021 Lượt xem: 16465 In bài viết

ĐBP - Là một trong những triệu chứng bệnh lý liên quan đến xương khớp rất phổ biến hiện nay, thoái hóa cột sống gây ra những cơn đau nhức vùng lưng, cổ, vai gáy... làm ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng khó lường.

Bệnh nhân điều trị các chứng thoái hóa và đau nhức xương khớp tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Vân, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hiện đang điều trị thoái hóa đốt sống cổ tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Năm nay bà Vân 61 tuổi và đã sống chung với căn bệnh này gần 10 năm. Bà Vân cho biết: Mắc bệnh thoái hóa cột sống khiến tôi rất mệt mỏi, khó chịu, do thường xuyên bị mất ngủ, tê bì 2 cánh tay, bả vai, chóng mặt... Sau thời gian dài tự ý mua thuốc điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày một khó chịu hơn nên tôi đã vào viện khám. Sau 1 tuần nhập viện điều trị, các triệu chứng bệnh đã giảm rõ rệt...

Bà Vân là 1 trong gần 20 bệnh nhân đang điều trị thoái hóa cột sống tại Khoa Nội (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh). Trước đó, trong quý I, Khoa Nội cũng đã tiếp nhận và điều trị cho 35 bệnh nhân bị thoái hóa cột sống. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Nội cho biết: Thoái hóa cột sống là thuật ngữ y khoa nói về tình trạng viêm và tổn thương tại cột sống; bệnh gây nên những cơn đau nhức, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt bình thường. Thoái hóa cột sống là bệnh xương khớp mãn tính, có tiến triển chậm rất khó nhận biết, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, trong đó, những người cao tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tình trạng thoái hóa tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen làm việc và sinh hoạt chưa khoa học của nhiều người. Những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do độ tuổi, thoái hóa tế bào, môi trường công việc, thói quen sinh hoạt, mang vác nặng, sai tư thế, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, béo phì...

Có 2 dạng thoái hóa thường gặp đó là thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng. Tùy thuộc vào vị trí bị thoái hóa mà triệu chứng của bệnh cũng có sự đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, triệu chứng điển hình của người thoái hóa cột sống là những cơn đau âm ỉ, thường xuyên dọc vị trí cổ và thắt lưng. Các triệu chứng diễn ra theo chu kỳ từ 1 đến 2 ngày rồi giảm dần các cơn đau, một thời gian lại tiếp tục tái phát. Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thoái hóa cột sống có thể khiến các vận động bình thường của người bệnh gặp khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau nhức, khó chịu. Đặc biệt, nếu bệnh không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng sau: Gây biến dạng cột sống, chèn ép các rễ thần kinh, thị lực suy giảm, tổn thương đĩa đệm và cột sống...

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Yến khuyến cáo, để phòng bệnh thoái hóa cột sống, người dân cần đảm bảo an toàn lao động, tránh các tư thế mang vác nặng; đối với nhân viên văn phòng, sau 2 giờ làm việc nên nghỉ giải lao để vận động cột sống. Cùng với đó, mỗi người cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D, uống nhiều nước lọc (tối thiểu 1,5 - 2 lít mỗi ngày)... Không nên cúi lưng, mang vật nặng nhiều dẫn đến tổn thương các dây thần kinh cột sống; khi ngủ, tránh nằm ở một tư thế quá lâu, không nằm sấp khiến cổ bị gập xuống, dễ dẫn đến nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ, không nên nằm gối đầu quá cao; không sử dụng chất kích thích, như rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện...; duy trì tập luyện thể dục thể thao phù hợp để giữ cho cột sống được tốt hơn.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top